Sau hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, tháng 1-1992 anh Việt được nghỉ hưu trở về địa phương (xã Ngọc Long, Yên Mỹ). Lúc về, để phát triển kinh tế gia đình, anh làm đậu phụ, nấu rượu, chăn lợn; song vướng “nợ khó đòi” nên bàn với gia đình chuyển về thị trấn Bần Yên Nhân rồi bán nhà, mua 90m2 đất mặt đường quốc lộ 5A với ý định làm nhà, nuôi lợn và làm quán. Chuẩn bị làm nhà, anh mua vật liệu để cạnh đường thì có người hỏi mua, vậy là anh bán, rồi lại mua tiếp, bán tiếp, trở thành cơ sở bán vật liệu xây dựng lúc nào không biết. Lúc này đường 5A bắt đầu mở rộng và nhiều công trình xây dựng rất cần cát, gạch, ngói, xi măng. Do làm ăn đứng đắn, với uy tín Bộ đội Cụ Hồ, anh nhận thầu cát ở đê sông Hồng về bán san lấp mặt bằng hơn 4 năm rồi chuyến sang nghề xây dựng. Năm 2004, thấy mô hình nhà trẻ đang rất cần cho xã hội, ít người quan tâm, được sự giúp đỡ của địa phương và Phòng Giáo dục huyện, anh quyết định thầu 5.000m2 đất trong 50 năm rồi đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà trẻ tư thục. Lúc đầu thật khó khăn vất vả bởi vợ con phản đối quyết liệt, không ít người cho là phiêu lưu, nghĩ quẩn, song anh vẫn quyết tâm làm; đến năm 2006 nhà trẻ Hoa Hồng đã ra đời. Bước đầu trường có 4 lớp, nhận hơn 80 cháu với 12 cán bộ, giáo viên; các giáo viên và nhân viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, được Phòng Giáo dục huyện giúp đỡ về chuyên môn. Nhà trẻ có đầy đủ các điều kiện cho các cháu vui chơi học tập với đội ngũ giáo viên có ít nhất 3 năm kinh nghiệm; các cháu đến nhà trẻ được chăm sóc chu đáo. Nhà trẻ Hoa Hồng đón nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập; nhiều Trường ở Hà Nội và các tỉnh bạn cử giáo sinh đến thực tập, kiến tập. Năm 2008, anh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm dãy nhà 3 tầng với 6 lớp học, đầu tư sân chơi, bể bơi, các dụng cụ cho cô và trò. Trường Hoa Hồng của anh có quy mô gồm 12 lớp học, 360 trẻ; khuôn viên rộng, các phòng học đều được trang bị điều hòa, máy nóng lạnh, máy chiếu, ca-mê-ra; có các phòng học chức năng, có lớp năng khiếu tạo điều kiện cho trẻ phát triển… Năm 2009, nhà trường được công nhận Trường chuẩn quốc gia mức độ I và năm 2015 được công nhận Trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Hôm chúng tôi đến thăm, gặp đúng ngày nhà trường tổ chức Lễ tổng kết năm học 2016-2017, Chủ tịch HĐQT, CCB Luyện Văn Việt đang trực tiếp trao giấy khen và phần thưởng cho các cháu trên lễ đài, thấy các cháu vui, thầy cô vui, cha mẹ các cháu vui… Tiếng cười rộn rã khắp nơi.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, đóng góp đầy đủ cho ngân sách địa phương mà các công việc từ thiện, công việc xã hội khác, CCB Luyện Văn Việt tham gia tích cực với hàng trăm triệu đồng mỗi năm ủng hộ Quỹ “Khuyến học”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Tấm lòng vàng”; ủng hộ các CCB và gia đình chính sách khó khăn của địa phương hơn 60 triệu đồng… Năm 2014, CCB Luyện Văn Việt vinh dự được công nhận là Tấm gương tiêu biểu trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Tỉnh ủy Hưng Yên; được đồng đội và nhân dân quý trọng.
Tấm gương doanh nhân CCB Luyện Văn Việt ở Hưng Yên là vậy.
Bài và ảnh: Quốc Huy