Phóng viên Báo QĐND và Truyền hình Quân đội phỏng vấn chiến sĩ đảo Trường Sa Đông.

Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn, DK1 được coi là “vùng biển bão tố”. Vì thông thường một năm có từ 10-15 cơn bão, lốc xoáy đi qua đây hoặc hình thành ngay tại vùng biển này. Để ghi lại những tấm ảnh, thước phim, phỏng vấn nhân vật ở Trường Sa, Nhà giàn DK1, ngoài am tường về nghiệp vụ và sức khoẻ dẻo dai, mỗi phóng viên cần có độ nhạy chuyên biệt về tác nghiệp.

Thế mới có thể cho “ra lò” những tấm ảnh “không đụng hàng” và những bài viết đặc sắc chứa chan cảm xúc. 25 năm trong nghề làm báo, tôi luôn chiêm nghiệm một điều được coi là “dĩ bất biến” là: Một tác phẩm báo chí tốt, chắc chắn phải là tác phẩm thứ thiệt. Nghĩa là tác phẩm ấy được tác giả phải viết, chụp từ thâm nhập thực tế. Chỉ tận mắt thấy, tai nghe mới có được tác phẩm báo chí xuất sắc. Càng những nơi khó khăn gian khổ, viết càng hay, ảnh chụp càng đẹp, càng chất lượng.

Trong nhiều địa danh tôi đã đặt chân, Trường Sa, Nhà giàn DK1 là địa danh đặc biệt nhất. Đó không chỉ là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn là hiện thân của chủ quyền quốc gia dân tộc, khẳng định và công bố với thế giới rằng: Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam; 15 Nhà giàn DK1 là pháo đài canh giữ chủ quyền quốc gia trên biển, trấn giữ vùng biển đặc quyền kinh tế  của Tổ quốc. Trên những pháo đài ấy là nơi sống, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện học tập của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, Vùng 2 Hải quân.

Quần đảo Trường Sa có 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân. Mỗi đảo nhỏ nằm ở vị trí phòng thủ đặc biệt khác nhau và gắn với lịch sử chiến đấu, giải phóng, xây dựng và trưởng thành. Bởi vậy, chọn được góc đảo đẹp để bấm máy, phỏng vấn nhân vật nào? thì phóng viên phải lên “kế hoạch” trong đầu từ trước.

Phóng viên báo, đài đi Trường Sa, DK1 bao giờ cũng được ưu tiên xuống chuyến xuồng đầu tiên để tác nghiệp. Vốn là sĩ quan Nhà giàn DK1, khi đến Trường Sa, tôi kinh nghiệm rằng: “Phải chộp cho bằng được tấm ảnh độc, lạ và đừng quên “tìm đồng hương trên đảo”. Câu đầu tiên sau bắt tay các chiến sĩ là câu hỏi “Em quê ở đâu? Có chiến sĩ nào cùng quê không?”. Và đây cũng chính là “thông tin đầu tiên” tôi “khai thác lính Nghệ nơi đầu sóng ngọn gió”.

Tôi cũng có ít nhiều về chuyện tác nghiệp ở nơi khó khăn gian khổ. Ngoài những góc chụp độc đáo vẫn phải chụp cho được toàn, trung, cận cảnh. Đặc biệt phải “chớp hành động” của nhân vật. Nhân vật đang dâng tràn cảm xúc, thì phải chụp ánh mắt rưng rưng. Hành động chia xa thì không thể thiếu “siết chặt vòng tay” và “bốn mắt nhìn nhau”, hoặc “bờ vai cảm xúc”. Phải lôi cuốn nhân vật nói chuyện với mình thông qua hỏi han quê hương, chia sẻ, tâm tình quê nhà...

Tác nghiệp ở Trường Sa là tác nghiệp đặc biệt với những lính đảo đặc biệt. Bởi thế, mỗi phóng viên phải hòa mình vào cuộc sống Trường Sa mới có tác phẩm báo chí sinh động mang đậm hơi thở và nhựa sống Trường Sa. Phải truyền đi thông điệp rằng, Trường Sa, DK1 là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi xa xôi ấy, có những người con mang trong tim và dành trọn tình yêu cho biển đảo quê hương Việt Nam.

Mai Thắng