Một phần diện tích (khu vực đất trống) nằm trong QHCT Trường đại học Y - Dược (cơ sở II) được “phù phép” thành đất ở cho một số cá nhân…

Đất quy hoạch cho giáo dục chưa có cấp thẩm quyền nào bác bỏ quy hoạch hay sửa đổi, bổ sung quy hoạch này, nhưng một số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án vẫn được chuyển đổi sang đất ở một cách suôn sẻ.

Cấp trên quyết định… là đất giáo dục

Năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - Phạm Xuân Đương ký Quyết định 821 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Thái Nguyên từ diện tích 436,5ha xuống còn 341,83ha. Theo quyết định, Đại học Thái Nguyên được chia thành 5 phân khu chức năng và định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan nằm trên địa bàn các phường Quang Trung, Thịnh Đán, Tân Thịnh, xã Tích Lương, xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên.

Cụ thể, quy hoạch Khu I diện tích 3,84ha, Khu II: 251,41ha, Khu III: 59,62ha, Khu IV: 3,68ha, Khu V: 23,28ha.

Quyết định 821 nêu rõ phân khu chức năng của Đại học Thái Nguyên sẽ bao gồm: Khu điều hành trung tâm; khu ký túc xá (KTX) tập trung, khu xây dựng các trường thành viên; khu thể dục thể thao (TDTT) - cây xanh tập trung và Đất dự trữ phát triển. Mỗi khu quy hoạch sẽ lại bao gồm: Khu học tập và cơ sở nghiên cứu khoa học; khu TDTT và cây xanh; khu KTX (công trình ở và phục vụ sinh hoạt).

Về quy hoạch xây dựng được chia thành 2 đợt. Đợt đầu sẽ hoàn thiện quy hoạch chi tiết (QHCT) xây dựng để tăng cường quản lý quỹ đất, làm cơ sở quản lý quy hoạch; trong đó có việc lập QHCT các trường: Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Khoa khoa học tự nhiên và xã hội; Khoa công  nghệ thông tin và Cơ sở II Trường Đại Y khoa (nay là Trường đại học Y - Dược).

Ngày 18-3-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - Phạm Xuân Đương ký Quyết định 691, phê duyệt QHCT Trường đại học Y- Dược (Cơ sở II) - Đại học Thái Nguyên; tổng diện tích quy hoạch là 18,46ha. Hơn 1 năm sau, ngày 23-11-2012, ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ký Quyết định 2841, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Trường đại học Y - Dược (cơ sở II) Đại học học Thái Nguyên tăng lên 20,84ha, nằm trên địa bàn 2 phường Tân Thịnh và Quang Trung, T.P Thái Nguyên.

Quyết định 2841 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Y - Dược phối hợp với UBND T.P Thái Nguyên và cơ quan quản lý chức năng thuộc tỉnh tổ chức công bố quy hoạch, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, sau hơn 10 năm một số hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch Trường đại học Y - Dược (cơ sở II) Đại học học Thái Nguyên (đất chưa bị thu hồi để xây dựng trường học) lại được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) một cách suôn sẻ, dễ dàng.

Một phần bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng Đại học Thái Nguyên, trong đó phần khoanh thuộc cơ sở II Trường đại học Y - Dược và vị trí cấp sổ đỏ đánh dấu X.

Cấp dưới… “phù phép” thành đất ở?!

Theo tìm hiểu, ngày 13-9-2018, UBND T.P Thái Nguyên có Quyết định 7225, 7226, 7227 và 7228 cho phép bà Nguyễn Thị Soi, bà Hoa Thị Xuân Thu, bà Phạm Thị Thu và ông Đỗ Xuân Tình được chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm (CLN) sang đất ở trên địa bàn phường Tân Thịnh. Nhưng quyết định cho phép chuyển sang đất ở của UBND T.P Thái Nguyên lại dựa trên Quyết định số 2555, ngày 30-8-2018 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - Nhữ Văn Tâm ký phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của các huyện, thành phố, thị xã - trong đó có danh sách 4 cá nhân nêu trên xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất CLN sang đất ở.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Soi xin chuyển 5 thửa (thửa 38, 39, 40, 32, 82), với tổng diện tích xin chuyển đổi là 0,16ha và bà Hoa Thị Xuân Thu xin chuyển đổi thửa đất số 29, diện tích 0,03ha; bà Phạm Thị Thu xin chuyển đổi thửa đất số 28, diện tích 0,03ha và ông Đỗ Văn Tình xin chuyển đổi thửa đất số 26, diện tích 0,04ha. Tất cả 8 thửa đất chuyển đổi đều nằm ở tờ bản đồ số 8, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên. Điều đáng nói ở đây là những thửa đất cho phép chuyển đổi này lại nằm trong phạm vi quy hoạch là đất giáo dục của Trường đại học Y - Dược (cơ sở II) chưa hề bị điều chỉnh hay thay thế bởi các quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đất giáo dục đào tạo thuộc nhóm đất phi nông nghiệp có mục đích sử dụng để xây dựng công trình sự nghiệp. Chiểu theo quy định này thì việc UBND T.P Thái Nguyên cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch là đất giáo dục sang đất ở đối với các cá nhân nêu trên là không tuân thủ quy định pháp luật.

Vậy tại sao UBND T.P Thái Nguyên vẫn có thể cho phép chuyển đổi sang đất ở đối với các các nhân nêu trên? Theo một số tài liệu, ngày 5-1-2018, ông Phạm Văn Đức - Phó giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ của Sở TNMT Thái Nguyên đã thừa ủy quyền của Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ ký - cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số CM861360 cho bà Hoa Thị Xuân Thu tại thửa đất số 29, tờ bản đồ số 8 phường Tân Thịnh với diện tích 268m2. Loại đất được công nhận là đất CLN. Thời hạn sử dụng đất đến tháng 1-2064. Nguồn gốc sử dụng: Nhận chuyển nhượng QSDĐ được công nhận QSDĐ như giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Tương tự, ngày 5-1-2018, ông Phạm Văn Đức ký - cấp sổ đỏ số CM861359 tại thửa số 28, tờ bản đồ số 8, phường Tân Thịnh với diện tích 250m2 cho bà Phạm Thị Thu. Loại đất được công nhận trong sổ đỏ là đất CLN, thời hạn sử dụng đến năm 2064 và nguồn gốc sử dụng đất từ chuyển nhượng QSDĐ. Từ đó, trên cơ sở sổ đỏ do Văn phòng ĐKĐĐ - Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên cấp và căn cứ vào Quyết định 2555 của UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, ngày 13-9-2018, UBND T.P Thái Nguyên tiếp tục có quyết định cho phép chuyển đổi từ đất CLN sang đất ở cho hộ bà Hoa Thị Xuân Thu và Phạm Thị Thu.

Như vậy có thể thấy, đường đi của việc “phù phép” biến đất quy hoạch giáo dục thành đất ở của các hộ dân xuất phát từ việc chuyển đổi đất CLN mà Văn phòng ĐKĐĐ - Sở TNMT Thái Nguyên đã cấp sổ đỏ cho các các nhân này. Bên cạnh đó, một số tài liệu cho thấy việc “cài cắm” danh sách chi tiết các gia đình cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Quyết định 2555 của UBND tỉnh Thái Nguyên rất “mập mờ”, chính là cơ sở cho việc hợp thức các thửa đất nông nghiệp thành đất ở trong phạm vi quy hoạch đất giáo dục trước đó.

Việc “phù phép” biến đất quy hoạch giáo dục thành đất ở cho các hộ nêu trên ra sao, ai là người tham mưu cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hệ lụy xảy ra sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ra sao… Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bài và ảnh: Tư Hoành