Vườn hoa đào ở Hà Hội.

Theo thông lệ, trước Tết âm lịch từ 45-50 ngày (tùy theo thời tiết nắng nóng hay lạnh giá), là các nhà vườn trồng hoa đào trưng Tết bắt tay vào mùa tuốt lá cho cây. Đặc trưng của cây hoa đào là phải tuốt bỏ hết lớp lá đi thì cây mới bung phát nụ hoa, cây hoa cảnh mới đẹp…

Đối với những nhà vườn trồng quất cảnh, hay một số loại hoa khác họ còn có thể tính toán được,để làm sao cho cây, hoa đúng độ bán Tết. Còn đối với những người trồng hoa đào thì xưa nay họ vẫn toan tính,nhưng chuyện có trúng mùa hay không thì  phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Ông Nguyễn Văn Hải, 62 tuổi, ở xóm 2 Bắc, làng đào Nhật Tân - người gần suốt cuộc đời gắn bó với nghề trồng hoa đào cho biết: “Chuyện tính toán theo thời tiết để tuốt lá thì nhà nào cũng làm. Thế nhưng, ai mà biết ông trời năm nào lạnh, năm nào nắng nóng ra sao để mà lường trước được”.

Qua tiếp tìm hiểu, không phải chỉ riêng ông Hải, mà hầu như người nông dân trồng đào ở làng hoa Nhật Tân hay ở những làng hoa khác cũng đều nói rằng nghề trồng đào là nghề “đánh bạc” với ông trời. Quả thực là như vậy, vì vòng đời của những bông hoa đào rất ngắn ngủi, chóng vánh chỉ độ chục hôm, bởi vậy nếu lứa hoa trên cây không nở đúng dịp bán Tết là “đi tong”…

Những ngày cuối tháng 11 âm lịch năm 2021, dẫu thời tiết Hà Nội lạnh, phù hợp với mùa tuốt lá đào đã bắt đầu cả tuần nay, nhưng người nông dân ở Nhật Tân vẫn tuốt lá với mức dè dặt, nghĩa là nhà nào cũng có ý định tuốt lá làm vài, ba đợt, mỗi đợt cách nhau độ dăm hôm để phòng nhỡ bị mất mùa thất thu đồng loạt. Bà Lê Thị Hà, ở cụm 1, phường Nhât Tân cho hay: Các hộ phải tuốt lá như vậy là vì nhỡ không may trượt đợt này còn có đợt khác trúng, chứ không thì lấy tiền đâu mà ăn Tết. Bà Hà chia sẻ thêm: “Nếu thời tiết cứ lạnh đều như thế này thì từ nay tới Tết dịp này tuốt lá là đẹp, đào sẽ nở hoa sau tuốt lá khoảng 45 ngày. Nhưng, nếu tuốt dịp này mà trời bỗng nắng nóng thì chỉ có nước là bán hoa đào vào đầu tháng Chạp mà thôi...”.

Tham quan cánh đồng hoa đào ở làng La Cả (quận Hà Đông), xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) và các làng trồng hoa đào mới ở huyện Đông Anh, như: xã Uy Nỗ, Tiên Dương… đều thấy người nông dân tuốt lá đào một cách cầm chừng, nghĩa là tuốt lá trên cùng một diện tích nhưng chia ra làm vài, ba đợt, mỗi đợt cách nhau mấy ngày.

Chị Thành, ở làng hoa Uy Nỗ, chủ nhân của vườn đào 400 gốc cho biết: “Thời tiết mấy năm nay thất thường quá nên bọn em trồng đào lao đao, khốn khổ. Năm nay đến lịch tuốt lá thì cứ tuốt thôi chứ biết làm sao được, bởi nếu không tuốt lỡ trời lạnh kéo dài cả tháng thì Tết đào không nở kịp, không có thu nhập...

Ông Trần Văn Tấn, ở thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội đã trồng đào 10 năm nay. Với vẻ rất lo lắng, ông chia sẻ, nếu năm nay mà “trượt” mùa hoa nữa là sang năm ông sẽ phá bỏ cây đào chuyển qua trồng quất cảnh và một số loài hoa khác, chứ không thể chung thủy với đào được nữa. Ông Tấn tâm sự: “Chục năm trồng đào thì 4 năm bán hoa trước Tết cả nửa tháng, 2 năm bán hoa đào mãi tận đến rằm tháng giêng. 4 vụ gọi là trúng mùa thì thu nhập cũng chỉ gọi là đủ chi phí đầu tư cũng như bù lỗ cho mấy mùa thất bát...”.

Có tiếp xúc với những nhà vườn trồng cây hoa đào trưng Tết này thì mới thấy được sự vất vả, lo lắng của họ như thế nào. Cuộc sống của người trồng đào có khá giả, ấm no hay không thì đều phải phụ thuộc vào thời tiết của mỗi năm.

Nguyễn Việt Hưng