Kể cũng là chuyện hài hước của nước ta. Đó là chuyện sửa sai vẫn phải đưa ra “xin ý kiến” xem có nên sửa hay cứ để sai!

Đó là quyết định “Xóa lớp không chuyên trong trường chuyên” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dưới đây viết tắt là Bộ). Bộ đang khảo sát, lấy ý kiến từ ngày 14-10 đến 14-12, trước khi ban hành Thông tư về quy chế hoạt động của trường THPT chuyên (trường chuyên), quy định “Không tổ chức các lớp không chuyên”.  

Hiện nay cả nước có 78 trường chuyên, trong đó có 7 trường thuộc đại học, còn lại thuộc tỉnh, thành phố và đã có gần một nửa các trường tuyển sinh hệ không chuyên, khi mà 10 năm trước Bộ “Cho phép trong các trường chuyên có thể có các lớp không chuyên”. Một trong những trường “tiên phong đi đầu” là Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đã có 10 năm nay.

Mới có mấy ngày Bộ “lấy ý kiến” mà theo công bố số liệu khảo sát của một tờ báo hiện có, số độc giả khá đông đã đưa ra con số hơn 50% cho rằng nên giữ lớp không chuyên (!). Đây là số liệu rất phấn khởi cho những trường chuyên muốn giữ lớp không chuyên.

Phấn khởi là đúng thôi, vì lớp không chuyên, như ở Trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu là lớp chuyên học sinh chỉ phải đóng 300.000 đồng/tháng, thì không chuyên đóng gấp đôi. Đó là chưa nói, không ít phụ huynh học sinh hiểu chưa đúng về khả năng, thế mạnh của con mình, cố “chạy” vào trường chuyên, lớp chọn, vừa làm biến chất môi trường giáo dục, vừa làm khổ con; thì những lớp “cận chuyên” rất dễ bị mặt trái của cơ chế thị trường chi phối.

Đó là chưa nói mục tiêu chính của trường chuyên là phát hiện, bồi dưỡng tài năng, nên được thiết kế chương trình đào tạo và chọn giáo viên khác hoàn toàn với các trường không chuyên.

Cũng phải nói ngay rằng không phải học sinh học trường chuyên là giỏi, là tài hơn học sinh không học trường chuyên. Mà hầu hết học sinh chuyên chỉ giỏi, chỉ tài ở một môn học - tự nhiên hay xã hội, toán hay lý… Chính vì thế mà ra trường, số “rơi rớt” ngoài đời của trường chuyên cao hơn học sinh không chuyên.

Đúng  như ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, T.P Hồ Chí Minh, nói: “Không thể lẫn lộn các học sinh chuyên và không chuyên….”.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo “lắng nghe ý kiến nhiều chiều”; tạo ra diễn đàn nhiều chiều, thực chất để giữ quyết định “Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”.

Huy Thiêm