Anh hùng, CCB, doanh nhân Phan Văn Quý trao tài trợ cho Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam trong chương trình Tri ân liệt sĩ.
Nhiều người nói với tôi: Nếu không gần gũi thường xuyên, không được một ai đó giới thiệu, mà chỉ đối diện vài lần với Phan Văn Quý, sẽ không thể nào biết anh Quý là một Anh hùng, một doanh nhân lớn, một nghị sĩ, chính khách, một nhà hoạt động xã hội tích cực… Ở anh, mọi thứ đều nhỏ nhẹ, tinh tế, khiêm nhường, thậm chí cứ lặng thầm thể hiện Giá trị đích thực…
Tháng 12-1971, mới 17 tuổi, đang là học sinh lớp 9 (hệ phổ thông 10 năm), Phan Văn Quý - người con của xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xung phong nhập ngũ. Sau hơn 3 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn, “Tuấn mã Trường Sơn” - chiến sĩ lái xe Phan Văn Quý được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới 22 tuổi. Đất nước hòa bình, thống nhất, sau một thời gian phục vụ trong Quân ngũ, năm 1999, Trung tá Anh hùng Phan Văn Quý xin xuất ngũ, dấn thân cho cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu.
Trên thương trường, tố chất của người lính Cụ Hồ, bản lĩnh Anh hùng trong anh tiếp tục tỏa sáng. Trải qua một vài va vấp buổi đầu trên thương trường - mà điều này mấy ai tránh khỏi, Phan Văn Quý đã tìm được con đường đi cho riêng mình. Sau hơn 20 năm, từ hai bàn tay không, Phan Văn Quý đã vững vàng chèo lái đưa Tập đoàn Thái Bình Dương vượt qua biết bao sóng gió, cặp bến vinh quang. Giờ đây, Phan Văn Quý là một doanh nhân thành đạt và Tập đoàn Thái Bình Dương của anh là một thương hiệu mạnh, có uy tín cả trong và ngoài nước. Anh và Tập đoàn Thái Bình Dương đã thành công trong những lĩnh vực, dự án mà mình lựa chọn và đất nước đang cần, đó là: Tổng thầu, nhiệt điện, điện gió, cảng biển, bất động sản gắn với du lịch sinh thái - tâm linh…
Với cộng đồng xã hội, anh là người đồng sáng lập và là thành viên chủ chốt của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Tâm - Tài Nghệ An, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam… Những tổ chức đó đều được thành lập trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, hoạt động vì mục đích an sinh xã hội, có tư cách pháp nhân. Đồng thời, các công trình tài trợ và các hoạt động xã hội - thiện nguyện khác mà anh và Tâp đoàn Thái Bình Dương tham gia từ quê nhà đến Quảng Trị, Bình Thuận và nhiều địa phương khác, đã - đang và sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho những đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Phan Văn Quý còn thử sức, tự ứng cử rồi trúng cử Đại biểu Quốc hội và đã có những đóng góp xứng đáng trên nghị trường.
Chiến công trong chiến tranh giải phóng và thành tích trên mặt trận kinh tế đầy mình, nhưng cả khi là Anh hùng làm nhiệm vụ ở tập đoàn trọng điểm ATP (trên đường 20 Quyết Thắng - tuyến đường Hồ Chí Minh), cũng như khi đã trở thành một doanh nhân lớn, Phan Văn Quý luôn là người khiêm nhường, rất kiệm lời về mình. Nên tôi hiểu, đức tính khiêm nhường cũng là một trong những tố chất của người Anh hùng.
Là người tham gia viết lịch sử Bộ đội Trường Sơn và thể hiện hồi ký của một số Tướng lĩnh Trường Sơn, tôi đã được nhiều người nói về những hành động, phát kiến của Anh hùng Phan Văn Quý; nhưng muốn tiếp xúc, tìm hiểu thêm, đều được anh thủ thỉ, cười hiền: “Có gì to tát đâu đồng hương…!”. Không cam chịu, tôi đã tìm tới Bảo tàng Hậu cần Quân đội - nơi đang trưng bày chiếc ô tô Zil-157 mang biển số DD4432-TS1 mà anh Quý lái hồi ở Trường Sơn. Chiếc xe có dáng dấp hùng dũng, nhưng khá bóng bẩy; hai bên thành thùng xe, mặt ngoài cánh cửa và trên nóc buồng lái, được anh bọc bằng một loại “giáp” là những thanh gỗ, tre ken lại… Để hiểu thêm phát kiến đặc biệt của người lái chiếc xe này khắc phục nhảy cần số phụ khi xe lên dốc, xuống dốc; được phép của nữ thuyết minh bảo tàng, tôi mở cửa buồng lái và thấy một thanh gỗ nhỏ, dài chừng 40cm, một đầu chống vào thành buồng lái, một đầu được đẽo thành chạc đôi chống vào cần số phụ. Đơn giản đến không ngờ! Nếu không tìm hiểu và không được giới thiệu, khó ai biết được thanh gỗ nhỏ đó đã giúp nhiều chiến sĩ lái xe Trường Sơn ngày ấy thoát được bao sự cố hiểm nghèo, sinh tử. Vậy mà từ mấy chục năm nay, phát kiến có ý nghĩa lớn lao đó vẫn chỉ là một thanh gỗ dài chừng 40cm, nằm yên vị, lặng lẽ trong hiện vật bảo tàng; khiêm nhường, kín tiếng như chính anh Quý ở ngoài đời.
Trên thương trường, Phan Văn Quý đã có những cú thoát khó ngoạn mục. Ví như những năm 2006-2007 đầu tư chứng khoán và hoạt động ngân hàng của Tập đoàn Thái Bình Dương đang như “gà đẻ trứng vàng”; nhưng qua thông tin từ một số chuyên gia kinh tế nước ngoài dự báo về khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2008 Phan Văn Quý và lãnh đạo Tập đoàn quyết định rút vốn chứng khoán và bán cổ phần ngân hàng. Ngay sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như cơn bão ập vào; thị trường chứng khoán và tài chính trong nước chao đảo, tụt dốc… Khi tôi hỏi về việc “né bão ngoạn mục” này, anh Quý vẫn nhỏ nhẹ trả lời: “…Chỉ là tái cấu trúc doanh nghiệp, là biết rút kinh nghiệm từ mình và từ người khác. Vả lại, làm kinh tế cũng như lĩnh vực quân sự, phải biết lúc tiến, lúc lùi, thậm chí phải biết dừng, biết sợ…”.
Đức tính khiêm nhường, giản dị, tinh tế của Anh hùng Phan Văn Quý khó có thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo. Xin được dẫn lời của ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: “Với những đóng góp lớn, hiệu quả của Phan Văn Quý cả trong SXKD và hoạt động xã hội - thiện nguyện, Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã hai lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho anh, nhưng anh một mực từ chối và xin nhường cho những người xứng đáng hơn”.
Một triết gia nào đó có nói (đại ý): Giá trị mỗi con người là một phân số, mà tử số là năng lực mà họ có được, còn mẫu số là điều họ nói về mình.
Những gì có trong cuộc đời của Anh hùng, CCB, doanh nhân Phan Văn Quý cả một thời chiến tranh lửa đạn và cả trên thương trường, nghị trường là không nhỏ. Còn anh Quý lại rất ít nói về mình, khiến cho mẫu số trong phân số giá trị của anh rất bé. Bởi vậy mà Giá trị đích thực của anh đối với cộng đồng thật nể trọng biết bao!
Duy Tường