Theo ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT), thì do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, nên hiện tượng thiếu sách chỉ tạm thời ở một vài điểm nhỏ và phần lớn thiếu một vài đầu sách trong bộ SGK. Những cửa hàng có hiện tượng thiếu SGK là những cửa hàng nhỏ lẻ, không thuộc hệ thống cửa hàng, siêu thị sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Còn ông Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam thì nói, để khắc phục, đến ngày 15-8, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch...
Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như hai ông nói. Chiều ngày 25-8, tôi được chứng kiến ngay tại Nhà sách của NXB Giáo dục Việt Nam trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), tình trạng phụ huynh đi lùng sục mua sách giáo khoa vẫn rất đông. Cũng có người mua cho học sinh ở Hà Nội, nhưng nhiều người mua hộ người nhà ở các tỉnh nhờ. Như thế, chứng tỏ việc thiếu sách giáo khoa không chỉ xảy ra ở thành phố lớn mà ở cả các địa phương. Do thiếu sách, nên hiện tượng “cò sách” cũng đang xảy ra rất phổ biến ở ngay cạnh các cửa hàng bán sách giáo khoa.
Thiếu sách giáo khoa không phải do học sinh đầu cấp tăng đột biến, vì không có em học sinh nào “bỗng dưng đi học”. Ngay như sĩ số học sinh lớp 1 cũng đã mặc định từ 6 năm trước. Mà NXB Giáo dục Việt Nam thì càng nhiều học sinh, càng được in nhiều sách giáo khoa càng lãi, vì được độc quyền.
Vậy sao năm nay thiếu? Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do, dự kiến từ năm 2019 Nhà nước sẽ xóa bỏ cơ chế độc quyền trong việc ban hành và in sách giáo khoa, học sinh cả nước sẽ được học với nhiều bộ sách giáo khoa... “Đi tắt đón đầu” NXB Giáo dục Việt Nam và các “đầu nậu phát hành” tính thoái vốn sớm; lo in sách, mua sách sao cho “thiếu còn hơn thừa” để không bị lỗ.
Đúng là hậu quả của “độc quyền” còn dài dài đến tận cả lúc nó “giãy chết”!
Thục Nguyễn