Việc tạm dừng triển lãm hội họa “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Lê Duy Minh đang gây ra những tranh luận trong dư luận. Có nghệ sĩ cho rằng đây là hành vi khắt khe với sáng tạo nghệ thuật; nhiều ý kiến khác lại khẳng định việc dừng triển lãm là đúng đắn.
Bức tranh chiến thắng Điện Biên với hình ảnh chủ đạo “một chiến sĩ cầm cờ” khắc họa một người lính quá gầy gò, khắc khổ, trên tay anh cầm lá cờ rách rưới. Thực tế trong chiến tranh, lá cờ có thể bị rách nát, bị đạn bắn hay ám mùi thuốc súng, nhưng kiểu rách nát như trong bức tranh thì thực sự lố bịch và phi thực tế. Thần thái người chiến sĩ giơ cao lá cờ không thể hiện được tinh thần anh dũng, khí thế hào hùng quả cảm của chiến sĩ Điện Biên, của người chiến thắng.
Tác giả bức tranh cho rằng đây là “những hình ảnh chân thực về cuộc chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ”, nhưng việc xây dựng hình tượng “đuối” về tạo hình, phản tác dụng, không những không đem đến cảm nhận về một chiến thắng hào hùng của dân tộc, về sự hy sinh, gian khổ của những người lính, mà lại gợi nên cảm giác sợ hãi, man rợ qua ánh mắt của nhân vật cầm cờ, qua sự rách nát của lá cờ.
Về khái niệm về hình tượng nghệ thuật, một số tài liệu viết: “Hình tượng là cơ cấu hài hoà của những yếu tố chủ quan và khách quan, cảm tính - lý tính, cụ thể - khái quát, cá biệt - phổ biến; nhưng được trình bày bằng con đường thông qua cái khách quan, cái cảm tính, cụ thể, cá biệt để phát hiện cái chủ quan, cái lý tính, cái khái quát, cái phổ biến”. Tác giả bức tranh đã đi ngược với khái niệm này. Tư tưởng, góc nhìn của tác giả có ảnh hưởng rất lớn tới khuynh hướng sáng tác nghệ thuật của họ.
Hơn nữa đây là tác phẩm nghệ thuật tái hiện lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu; việc phản ánh không đúng, không chân thực dễ dẫn đến cái nhìn méo mó về những giá trị lịch sử, đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Không thể và không nên chỉ biết cầm cọ lên vẽ!
An Nhiên