Theo chân anh Giàng A Trang (34 tuổi) người dân tộc Mông, trú tại thôn 5, xã Đắk R’Măng đến chợ phiên truyền thống của người Mông; với chiếc máy quay phim, anh Trang khiến nhiều hàng xóm thấy lạ. Lạ vì lâu nay người dân trong làng anh không ai biết quay phim, chụp ảnh và cũng chẳng ai nghĩ đến một ngày mình sẽ sử dụng được chiếc máy đó.
Anh Giàng A Trang chọn một góc máy để lấy toàn cảnh khu chợ, cảnh người dân đi chơi, cảnh mua bán và phỏng vấn người dân, người bán hàng. Tất cả thao tác được Giàng A Trang thực hiện một cách rất bài bản. Khép lại buổi sáng “tác nghiệp” một chợ phiên qua góc máy của Giàng A Trang không chỉ sôi nổi, sống động và vui tươi mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống, có cả lời tâm sự, chia sẻ của người dân về phiên chợ, về hàng hóa. Những thước phim như thế được Giàng A Trang lưu giữ lại để cho con, cháu và những người muốn biết về chợ phiên có thể hiểu qua góc máy được ghi lại.
Giàng A Trang tâm sự: “Chiếc máy quay phim thiết thực lắm, giúp mình lưu lại được cảnh sinh hoạt văn hóa, những mô hình kinh tế hay, lưu giữ cho mình và cho con cháu”.
Cầm chiếc máy ảnh trên tay, bấm chế độ xem hình, Giàng A Trang giới thiệu về buổi tái hiện màn khua luống, đón dâu của người Thái bằng hình ảnh. Từng chùm hình ảnh tái hiện lễ đón dâu truyền thống của người Thái với màn khua luống sôi động và các nghi thức đón dâu của họ nhà trai. Một phong tục truyền thống được kể qua từng khung hình góc máy và cả những lời tâm sự của những người trực tiếp tái hiện nghi lễ ấy. Xem xong “câu chuyện” qua hình ảnh có thể hiểu và nhớ một cách dễ dàng, bởi buổi tái hiện được ghi lại một cách sống động, âm thanh và hình ảnh đều tạo sự cuốn hút cho người xem.
Kể câu chuyện bằng hình ảnh đã trở thành việc làm thường xuyên của anh Giàng A Trang. Anh còn lưu giữ những clip ghi lại sống của người dân, dụng cụ lao động, trang phục, các sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, những mô hình kinh tế hay để mình và mọi người có thể xem để học hỏi cách làm.
Anh Lò Văn Thanh (36 tuổi) người dân tộc Thái trú tại thôn 4, xã Đắk R’Măng đang thực hiện các cảnh quay về thêu trang phục truyền thống tại nhà bà Vi Thị Ăng. Trong trang phục truyền thống, bà Ăng ngồi thêu những hoa văn lên những trang phục dân tộc mình. Hình ảnh ấy được anh Thanh ghi lại chi tiết từng đường kim mũi chỉ. Với anh Thanh, hoạt động này chỉ có người già trong làng còn thực hiện nên việc ghi lại những khoảnh khắc này rất cần thiết để lưu giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào.
Những thước phim ghi lại nếp sinh hoạt, cuộc sống văn hóa thường ngày của dân tộc được chính những người nông dân ghi lại, chân chất, đời thường, chứa đựng những giá trị lớn lao. Những thước phim ấy được làm nên bằng đôi tay và sự rung động của trái tim trước cái đẹp và ý thức giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Lập Phương