Tôi vào lớp Giáo dục đặc biệt 3 khi cô Huyền đang tỉ mỉ, nắn nót cho các em từng nét chữ. Xen lẫn những lời chỉ bảo ân cần của cô Huyền là những tiếng khóc, tiếng la hét... những ánh mắt ngơ ngác, lơ đễnh khi thấy có người lạ xuất hiện của những em là nạn nhân da cam. Tạo nên thứ âm thanh mà chỉ ở những lớp học đặc biệt này mới có.
Năm 2005, cô Huyền về Làng công tác và gắn bó với các em nhỏ nơi đây. Ngày đầu được tiếp xúc với các em, chính những mảnh đời bất hạnh ấy đã gợi cho cô Huyền về kí ức tuổi thơ không êm đềm của mình. Cô giáo Nguyễn Thu Huyền kể: “Sau tai nạn, bố mẹ đã chạy chữa đủ mọi đường nhưng bệnh tình mình không giảm. Mình bị liệt một bên chân và tay phải. Nghĩ rằng, cuộc đời sẽ quanh quẩn trong bốn bức tường, nhưng được sự động viên, an ủi của bố mẹ và bạn bè mình đã cố gắng học tập, nuôi ước mơ thành cô giáo, với một điều duy nhất là không trở thành gánh nặng cho bố mẹ và có thể làm nuôi sống được bản thân”.
Năm tháng trôi qua, với sự nỗ lực không ngừng, cô gái khuyết tật Nguyễn Thu Huyền đã thi đỗ vào Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Huyền làm đơn xin về làm Giáo viên lớp Giáo dục đặc biệt Làng Hữu Nghị Việt Nam.
Nói là lớp Giáo dục đặc biệt, đúng là “đặc biệt” thật. Lớp có 14 em thì cô Huyền phải soạn 14 giáo án khác nhau. Bởi các em hầu hết bị thiểu năng trí tuệ, có em bị thần kinh, tăng động... Cô tâm sự: “Giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ còn khó khăn hơn gấp bội. Một tiết dạy phát âm có thể kéo dài cả buổi, một chữ cái có thể phải đọc đi đọc lại cả tháng trời nhưng có khi nay các em đọc được, mai lại chẳng nhớ gì. Do vậy, giáo viên chỉ có thể lựa chọn nội dung cần thiết để dạy đối với mỗi học sinh”.
Tôi đang ngồi trò chuyện, thấy cô Huyền gọi một bạn sinh viên: “Em ơi, giữ chặt em Trang hộ cô!”. Hóa ra, em Trang chuẩn bị lên cơn động kinh. Cô Huyền nói tiếp: “Ở đây, cô giáo không chỉ có nhiệm vụ dạy chữ cho các em mà kiêm luôn nhiều nhiệm vụ. Dù làm việc gì cũng luôn luôn để mắt đến các em, xem các em đang ở đâu, làm gì, thái độ ra sao”. Như em Trang, cô cho biết, em bị bệnh động kinh nên thấy mặt em tái xanh, bắt đầu chạy lung tung thì phải giữ lại để không bị ngã. Nhìn khuôn mặt em với những vết sẹo mới, cũ chồng lấn lên nhau, cơ thể đang giãy giụa từng cơn, khiến những người chứng kiến như tôi thắt lòng.
Không chỉ có Trang mà còn nhiều em tăng động bỗng nhiên gào thét, đập đầu vào tường, hoặc nằm sõng soài trên nền nhà hay bới thùng rác để tìm đồ ăn... thì cô phải nắm bắt đặc điểm của từng em. Với cô Huyền: “Người dạy phải xem các em là con, em mình và đặt mình vào địa vị là mẹ, là chị của các em thì mới làm tốt được. Dạy các em không đòi hỏi phải đạt trình độ này, trình độ kia, mà bước đầu chỉ cần biết chào khách một câu trọn vẹn đã là thành công rồi”.
Ngày 20-11 đã cận kề, tôi liền hỏi: Các em dành tình cảm cho cô giáo như thế nào? Cô Huyền chỉ cười trìu mến và nói: “Từng lời nói, hành vi của mình các em còn nhận thức chưa trọn, nên các em cũng không hiểu được ý nghĩa của ngày 20-11. Những ngày này các cô thường hướng dẫn các em cách làm thiệp, cầm tấm thiệp do chính tay các em làm được là cô thấy ấm lòng rồi”.
Minh Thành