Trong xu hướng hợp tác, loại bỏ dần các loại vũ khí để cùng chung sống trong hòa bình thì việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh với Nga, là một sai lầm lớn.

Ngày 2-8, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi INF. Gần như ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố nêu rõ: "Vào ngày

2-8-2019, dựa trên hành động của Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".

INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày

8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF từ đầu năm nay, trong khi Nga phủ nhận và khẳng định Nga không vi phạm INF. Dù gì, INF đã chính thức đổ vỡ và đặt châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào một cuộc chạy đua vũ trang mới khi “vòng kim cô INF” đã trở nên vô tác dụng.

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Lời kêu gọi đã được đưa ra từ lâu nhưng vẫn bị Mỹ phớt lờ và đó là sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm này đặt thế giới vào một tương lai bất ổn, khó đoán định hơn.

Nam Long