Chính phủ Philippines ngày 13-1 đã chính thức trao công hàm phản đối các chuyến bay thử nghiệm trái phép của Trung Quốc ra đá Chữ Thập. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ-John Kirby nói rằng việc Trung Quốc bay thử nghiệm trên 1 trong 7 đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực. Ngoại trưởng Nhật Bản-Fumio Kishida nói: “Nhật Bản vô cùng quan ngại về hành động của Trung Quốc, đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng” tại khu vực và là âm mưu của Bắc Kinh nhằm biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp thành “sự đã rồi”. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia-Anifah Aman cho rằng hành động này của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước. Ông Anifah nhấn mạnh, điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tất cả các bên phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết chung, tăng cường lòng tin và tránh bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Tất cả các bên phải duy trì cam kết nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Bà Theresa Fallon-chuyên gia cao cấp về Biển Đông thuộc Viện châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS) đánh giá hành động của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những khu vực tranh chấp “nóng” nhất thế giới. Theo bà Fallon, để kiềm chế hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực cần thu hút rộng rãi hơn nữa sự chú ý của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cần cử quan sát viên đến Tòa trọng tài quốc tế để hỗ trợ cho quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa các bên liên quan.
Trong khi đó, giáo sư Eric David-Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB) đánh giá hành động của Trung Quốc xây dựng đường băng trên đảo tranh chấp là “hành động nhằm thể hiện chủ quyền”. Do vậy, các quốc gia liên quan cần phải hành động bằng cách gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc và khẳng định rằng Trung Quốc không có bất cứ quyền nào để xây dựng sân bay trên những hòn đảo mà họ tự cho là thuộc về mình. Các nước cũng cần yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề chủ quyền bằng con đường pháp lý. Đáng chú ý, Tổng thống đắc cử của Đài Loan thuộc Trung Quốc-Thái Anh Văn đã kêu gọi sự tự do hàng hải ở Biển Đông và một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên vùng biển này.
Ngày 14-1, LHQ đã cho lưu hành 2 công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam trao cho phía Trung Quốc ngày 2 và 7-1-2016 phản đối hoạt động bay của Trung Quốc ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, như tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ khóa 70. Trong 2 công hàm này, Việt Nam khẳng định hoạt động này của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định cũng như an toàn, an ninh hàng không trong khu vực Biển Đông.
Đức Bình