TS. Nguyễn Hoàng Anh
Thế giới ngày càng trở nên phẳng hóa theo đà toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi quốc gia. Bởi vậy, xu thế đa phương hóa trong quan hệ kinh tế là tất yếu đối với mọi quốc gia muốn phát triển nền kinh tế của mình lên một tầm cao mới nhằm sánh vai với bạn bè năm châu và các cường quốc lớn trên thế giới.
Trong sân chơi toàn cầu hóa này, người chậm chân sẽ là kẻ thua cuộc, bởi vậy muốn chiến thắng thì người tham dự phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho bản thân cũng như nắm rõ bản chất của cuộc chơi để “biết mình biết người trăm trận không bại”.
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cuộc chơi toàn cầu hóa như vậy, và cũng là một cơ hội lớn cũng như một thách thức không hề đơn giản với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng.
Nội dung chính của TPP là quy định giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền…
Nhìn qua như vậy, chắc chắn mọi người đều thấy người được lợi nhất chính là người tiêu dùng Việt Nam. Bởi họ sẽ được tiếp cận các loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao với mức giá rẻ hết sức có thể từ các nước phát triển.
Thế nhưng, thách thức lại đè nặng lên doanh nghiệp Việt Nam hơn bao giờ hết. Bởi như chúng ta đều đã biết Việt Nam hiện tại đang có một nền kinh tế sản xuất vẫn còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp từ khâu đầu vào, tạo ra sản phầm, marketting và thị trường đầu ra. Doanh nghiệp Việt Nam từ lâu nay chủ yếu là đi làm gia công cho các công ty nước ngoài, hay bị đè bẹp không cạnh tranh nổi với sự tràn lan của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó, tất yếu doanh nghiệp Việt Nam không có khách hàng, không có cơ hội để sản xuất, không có thị trường để kiếm lợi nhuận nhằm tái đầu tư khoa học, công nghệ để cải tiến năng suất.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Mỗi năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 50 tỷ USD. Trong đó con số nhập siêu theo thống kê chính thức khoảng 32 tỷ USD và hàng hóa từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam theo con đường nhập lậu trị giá khoảng 20 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nặng. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều bất ổn nghiêm trọng, tiền bạc đang chảy ra khỏi Trung Quốc không thể cản nổi. Việt Nam cần tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc này.”
Bởi vậy, TPP sẽ là cơ hội bằng vàng để các doanh nghiệp Việt Nam được cạnh tranh lành mạnh, có cơ hội cọ xát học hỏi những doanh nghiệp nước ngoài. Còn bản thân nền kinh tế Việt Nam sẽ đa dạng nguồn đầu tư từ châu Âu, Mỹ và các nước phát triển, không còn phải phụ thuộc mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu bất ổn và thiếu ổn định nữa.
Khi đã có một sân chơi lành mạnh rồi, đây chính là lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần cải tổ lại bản thân, củng cố bộ máy nhân lực, nhanh nhạy học hỏi, đi tắt đón đầu những kiến thức, kinh nghiệm từ các nước Âu-Mỹ. Để từ đó xây dựng riêng cho mình những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh tầm cỡ như SamSung, Sony… để có thể đủ sức cạnh tranh trong một sân chơi tầm cỡ và đầy tiềm năng như TPP.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Khoa học-Công nghệ cũng phải có những chính sách phù hợp kèm theo để có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nội địa bằnng việc cải cách thủ tục hành chính, chính sách thuế phí, đầu tư phát triển cho khoa học kỹ thuật tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tiến tới làm chủ công nghệ không còn phải đi vay mượn hay làm thuê gia công nữa.
Chỉ có sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới từ cấp lãnh đạo cùng với sự đồng lòng xuất phát từ tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của các doanh nghiệp Việt Nam, thì mới có thể tạo ra những bước đi vững chắc cho Việt Nam trong cuộc chơi TPP đầy hấp dẫn nhưng không thiếu phần cam go và chông gai này.
Những chuyến tàu đến và đi luôn đúng theo giờ và lịch trình quy định, nếu chúng ta chậm chân hay bỏ lỡ chỉ một vài phút, có thể sẽ mất đi cả một cơ hội tiến đến một tương lai đầy tươi sáng và hứa hẹn. Lịch sử đã cho thấy chỉ vì sự bảo thủ không đáng có của vua chúa nhà Nguyễn khi không nghe lời khuyên của Nguyễn Trường Tộ mà Việt Nam ta đã bỏ lỡ một cơ hội cải cách bằng vàng để tiến lên, có thể trở thành những cường quốc châu Á như Nhật Bản.
Hy vọng với “chuyến tàu” TPP đang đến với những hồi còi inh ỏi báo hiệu cho một kỷ nguyên mới đầy hy vọng với kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ không bỏ lỡ và để phí thêm một lần nữa.
NHA