Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Tham gia biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam có 462 đại biểu (bằng 95,85% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trước đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Điều 5 về Nhiệm vụ biên phòng và Điều 10 về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với số phiếu tán thành cao.

Luật Biên phòng Việt Nam gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Ngày 21/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam cho thấy đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đã được xem xét chỉnh lý một số nội dung như: nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Về nội dung hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền quy định tại Điều 11, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trường hợp tạm dừng và trường hợp hạn chế hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới để tránh áp dụng tùy tiện; có ý kiến đề nghị rà soát lại Điều này để quy định cho chặt chẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc hạn chế hoặc tạm dừng một số hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới có tính chất đan xen. Căn cứ vào diễn biến tình hình cụ thể và các nguyên tắc được luật quy định, người có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại Điều này.

Liên quan đến vấn đề nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng được quy định tại Điều 14, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về biên giới” vào cuối khoản 5; bổ sung nội dung “Tổ chức thực hiện quan hệ phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với từng nước láng giềng trong quan hệ biên giới ...” vào khoản 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung “ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về biên giới” đã được quy định tại khoản 4 Điều này, nội dung hợp tác quốc tế đã được quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc kiểm soát xuất, nhập cảnh tại khoản 5 chưa rõ đối tượng, đề nghị chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát là con người; quy định kiểm soát qua lại biên giới còn rộng, dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; nếu chỉ quy định đối tượng kiểm soát là con người sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng phương tiện để cất giấu tài liệu phản động, vũ khí, ma túy… để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài việc kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với con người, Bộ đội Biên phòng còn phải kiểm soát cả phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản này.

Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

TTXVN