Thượng tá Nguyễn Đăng Tiến cho biết: Ngày 7-2-1965 đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đầu tiên là cuộc tập kích "Mũi lao lửa I" ngay trong 2 ngày 7 và 8-2, chúng cho 169 lần chiếc máy bay đánh phá thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ và khu vực Vĩnh Linh. Cuộc tập kích "Mũi lao lửa II" vào ngày 11-2, Mỹ sử dụng 100 lần chiếc máy bay đánh phá thị trấn Hồ Xá cùng các mục tiêu ở địa bàn nam Quân khu 4. Các đơn vị Bộ đội Hải quân đã phối hợp với lực lượng phòng không ba thứ quân bắn rơi 22 máy bay và bắn bị thương nhiều chiếc khác. Bị thiệt hại nặng nề, Tổng thống Mỹ, Giôn-xơn quyết định thực hiện chiến dịch "Sấm rền", mở rộng phạm vi đánh phá vào các mục tiêu quân sự, kho tàng, đầu mối giao thông, thị trấn, thị xã từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20, hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam. Chúng đánh phá các Trạm ra đa 530 ở Đèo Ngang (Quảng Bình), Trạm 550 tại Bạch Long Vĩ, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... quân và dân ta đã kiên quyết đánh trả, bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay Mỹ. Riêng khẩu đội pháo cao xạ Trạm ra đa 530 bắn rơi 2 chiếc; tàu T120, T136 của Phân đội 1 và Phân đội 2 bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 5 chiếc. Trong trận ngày 29-3-1965, Tiểu đoàn 152 Bạch Long Vĩ đánh trả 70 lần chiếc máy bay địch, bắn rơi 5 chiếc... Cùng với bắn máy bay địch, Bộ đội Hải quân còn đánh trả các loại tàu chiến của Mỹ xâm phạm, phá hoại vùng biển nước ta. Đầu năm 1965, hai Biên đội tàu T161 và T171 thuộc Phân đội 5, Tàu T126 Khu Tuần phòng 2 đã bắn bị thương 3 tàu địch trên vùng biển Quảng Bình. Tàu T187 và T124 bắn cháy 2 tàu địch cách Cửa Hội 40 hải lý.
Cuối tháng 4-1966, máy bay Mỹ đánh phá ra vùng mỏ Quảng Ninh. Các tàu Hải quân ở khu vực Hạ Long đã bắn rơi 23 chiếc, bắn bị thương 38 chiếc. Trong trận đánh ngày 7-7-1966 trên khu vực Sông Cấm, Bến Bính các tàu T195, T197, T199, T201 sau hơn một giờ chiến đấu đã bắn rơi 4 chiếc, góp phần cùng quân và dân Hải Phòng, Hà Nội bắn rơi 11 máy bay Mỹ. Đầu năm 1967, Quân chủng Hải quân điều động lực lượng tàu của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 100 thuộc Trung đoàn 171 tàu tuần tiễu lên tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Các tàu đã chiến đấu nhiều trận; trong đó ngày 5-5-1967, hơn 300 lần chiếc máy bay Mỹ vào đánh phá trái tim Tổ quốc, hơn 20 tàu tuần tiễu đã hiệp đồng chặt chẽ cùng các lực lượng bắn rơi 8 chiếc; ngày 14-5 bắn rơi 5 chiếc; Trong 4 ngày từ 19 đến 22-5 bắn rơi 17 chiếc... Bị thiệt hại nặng nề, tháng 11-1968, Mỹ buộc phải tạm dừng ném bom bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Câu chuyện của các anh là những chiến công sáng ngời truyền thống chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển và quyết chiến thắng, khiến chúng tôi cảm phục, tự hào. Đại tá Nguyễn Phong Cảnh-Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng vẫn lặng lẽ nghe, giờ mới lên tiếng: Đó là cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại thứ nhất. Đến tháng 4-1972, trước nguy cơ thất bại của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Mỹ tiến hành chiến dịch "Lai-nơ Bếch-cơ 1" dùng không quân và hải quân đánh phá lần thứ hai. Chúng coi đây là "biện pháp chiến lược quyết định", "cách duy nhất để kết thúc chiến tranh". Thế rồi ngày 18-12-1972, chiến dịch "Lai-nơ Bếch-cơ II" lại bắt đầu bằng cách huy động hàng trăm lượt máy bay B52, F111 đánh phá dã man Hà Nội, Hải Phòng hòng đè bẹp ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của nhân dân ta. Nhưng chúng lại sai lầm. Quân và dân ta tiếp tục làm nên chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải chấp nhận thất bại cay đắng
Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại, Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu 716 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn bị thương 102 lần chiếc khác, bắn bị thương 45 lần chiếc tàu chiến; cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân do hai Tổng thống Giôn-xơn và Ních-xơn đế quốc Mỹ phát động góp phần để Quân chủng được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND.
Pháy huy truyền thống chiến đấu dũng cảm trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc-đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay; Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục ghi thêm những trang sử vàng trên sóng nước.
Tô Kiều Thẩm