Ngọc phả đình Bườn, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc (Nam Đinh) ghi rõ: “Đào Nương, người mà dân địa phương thường gọi là Đàm Thái Hậu, Thân Mẫu của Đinh Bộ Lĩnh cùng hành quân trong chuyến đi này. Khi Đinh Bộ Lĩnh cùng Phùng Gia và các tướng lĩnh tiến quân đến địa đầu huyện Mỹ Lộc (phủ Thiên Trường xưa) thì bị một sứ quân chặn đánh. Ông liền lập đồn luỹ ở thôn An Biện (tức thôn Bườn ngày nay) vừa chống cự, lại vừa phát triển thêm lực lượng. Nhiều nhân sĩ, trong đó có Cao Mộc đã về căn cứ Bườn phò giúp ông. Sau một thời gian ông để Thân Mẫu ở lại căn cứ (Bườn), còn ông cùng với các tướng lĩnh tiếp tục đi dẹp loạn ở các nơi khác”.
Năm 968, sau khi đã đánh bại được các sứ quân, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) và đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Khi cho người trở về Bườn đón Thân Mẫu mới biết bà đã qua đời. Do vậy liền phái hai tướng là Phùng Gia và Cao Mộc về An Biện trông coi lăng mộ Thân Mẫu. Sau một thời gian Cao Mộc cũng mất tại đây, nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc nên đã chôn cất và lập đình, miếu thờ phụng ông từ đó.
Như vậy, sự hiện diện Thân Mẫu của vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Bườn xác nhận nơi đây không chỉ là một căn cứ quan trọng của Đinh Bộ Lĩnh trong thời kỳ đầu chiêu binh dẹp loạn 12 sứ quân, mà còn là nơi an nghỉ của Thân Mẫu cùng tướng lĩnh liên quan. Qua đó, được người dân nơi đây trân trọng gìn giữ và thờ phụng vẹn nguyên bốn di tích kể trên suốt hơn 10 thế kỷ qua.

Công Thi – Tiên Cảnh