Ông Hồ Hồng Hải phát biểu khai mạc hội nghị

Ngày 27/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên, các báo đài Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TTTT: Hội nghị tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ giúp mỗi chúng ta có thêm những thông tin, kiến thức hữu ích về phòng, chống tác hại thuốc lá; sẽ tự ý thức hơn nữa về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện mục tiêu chung là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Hội nghị này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí, từ đó góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Một điều rất đáng lo ngại, hiện nay Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Đồng thời, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15- 24 tuổi.

“Đứng trước nguy cơ những tổn thất về sức khỏe do tác hại của thuốc lá gây nên, mà trong đó những nguy cơ, hiểm họa từ các sản phẩm thuốc lá mới đối với giới trẻ hiện nay. Từ thực tế này, Bộ TTTT nhận thấy rằng việc nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là biện pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng” - ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.

Trình bày tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho rằng, trong những năm qua, để theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và hiệu quả thực hiện các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các nghiên cứu điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) qua các năm 2010, 2015, 2020; điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi qua các năm 2004, 2007, 2014, 2022 (GYTS) và điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS). Từ các nghiên cứu điều tra đã cho ra những kết quả chung về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (15- 64 tuổi) cho thấy đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 42,3% vào năm 2020; trong đó sử dụng thuốc lá ở thanh niên có độ tuổi 15- 24 giảm từ 26% xuống 13%. Việc hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng, trong 5 năm (từ 2015- 2020) tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Với các kết quả nêu trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015- 2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên với sự gia tang của các sản phẩm thuốc lá mới, những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ. Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.

“Chính vì vậy, chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, đầu tư nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ, ngay cả việc thí điểm các sản phẩm này cũng không nên cho phép”- bà Hương cho biết.

Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, Giảng viên Trung tâm Giáo dục Y học- Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, cai nghiện thuốc là là sự từ bỏ hoàn toàn thuốc lá. Giảm số lượng điếu thuốc lá không gọi là cai thuốc lá. Cai nghiệm thuốc lá thành công khi thời gian cai ít nhất 12 tháng. Ít nhất có 70% và 1/3 người hút thuốc lá gặp bác sỹ và nha sỹ hàng năm. Ít nhất 70% người hút lá muón cai nghiện; 2/3 người tái nghiện muốn cai lại ngay trong 30 ngày.

Hồng Thái