Hiện nay, do tuổi thọ con người tăng, bệnh loãng xương dẫn đến gãy xương đang trở thành một vấn đề lớn, nhất là đối với phụ nữ cao tuổi.
Bệnh thường phát triển thầm lặng, không có triệu chứng rõ rệt, cho đến một ngày nào đó người bệnh bị gãy xương. Bệnh gặp nhiều ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh, khi cơ thể không còn sản sinh ra estrogen hoặc chỉ sản sinh ra rất ít estrogen là loại hoocmon giúp xương giữ độ vững chắc. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, riêng tại nước Mỹ người ta ước tính có 24 triệu phụ nữ mắc bệnh loãng xương, hằng năm có 1,3 triệu người bị gãy xương, nhiều khi chỉ do trượt chân hoặc do một chấn thương nhỏ. Người bị gãy xương, thường là gãy cổ xương tay, cổ xương chân, nguy hiểm hơn cả là gãy cổ xương đùi. Tuổi càng cao nguy cơ gãy cổ xương đùi càng lớn, vì đây là chỗ phải chịu lực lớn nhất do trọng lượng cơ thể phía trên đè xuống và phản lực từ dưới dội lên. Thường gặp nhất là các cụ bị trơn ngã trong buồng tắm, chỉ ngã ngồi đập mông xuống sàn nhà thôi, nhưng không đi đứng được nữa; đến bệnh viện khám, thầy thuốc cho biết đã bị gẫy cổ xương đùi, phải mổ và điều trị dài ngày. Có cụ dậy đi tiểu ban đêm, bước xuống giường vướng chân vào màn bị ngã ngồi đập mông xuống sàn nhà cũng bị gẫy cổ xương đùi.
Bệnh loãng xương thường gặp ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên, nhưng thực sự mất mát hao hụt chấn thương đã bắt đầu sớm hơn, từ sau 35 tuổi, khoảng 50% sự hao hụt này xảy ra 7 năm sau mãn kinh. Tuy nhiên, bệnh loãng xương có thể tránh được bằng cách sống hợp lí, ví dụ:

  • Về ăn uống: Chất canxi vô cùng cần thiết cho sự vững bền của xương, cần từ khi còn trẻ. Liều lượng canxi cần thiết hằng ngày là 1.200mg đối với người từ 11 đến 18 tuổi, 800mg đối với phụ nữ tiền mãn kinh, 1.500mg đối với phụ nữ sau mãn kinh. Những thức ăn giàu canxi là sữa, các loại cua, ốc, tôm, tép ,vừng, cà rốt, rau xanh…
  • Thể dục thể thao: Đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và duy trì các chất xương, đặc biệt đối với phụ nữ sau mãn kinh. Thiếu hoạt động thể dục sẽ làm tăng sự hao hụt chất xương.
  • Người cao tuổi nên cố gắng tránh bị ngã. Việc đi đứng, sinh hoạt hằng ngày trong gia đình phải cẩn thận, nhất là khi vào những nơi sàn nhà bị trơn ướt như buồng tắm. Đi lại trong nhà, các cụ cũng nên chọn dùng loại dép có độ ma sát lớn.
    Hiện nay y học chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh loãng xương, nhưng một số loại thuốc có khả năng hạn chế sự mất mát chất xương, tránh được gãy xương, như việc dùng estrogen có thể làm hạ thấp tỉ lệ gãy xương. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng được estrogen. Thuốc này tuy có tác dụng tốt đối với loãng xương và làm giảm được tỉ lệ gãy xương, nhưng lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nội mặc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, đặc biệt là đối với những người có tiền sử gia đình mắc những bệnh này, làm tăng các bệnh ở túi mật. Vì vậy, việc dùng estrogen phải thận trọng và phải do thầy thuốc chỉ định. Nói chung những người có khối u ở vú, gan hoặc niêm mạc tử cung, gia đình có tiền sử ung thư, mắc các bệnh gan hay túi mật… không nên dùng thuốc này.
    Bs Hương Liên