Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam với hơn 20 tỉnh, thành có bệnh, nhiều nơi nông dân đang chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại, hoặc bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y; người tiêu dùng có xu hướng “tẩy chay” tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn và đảm bảo chất lượng. Tại Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn” vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đề nghị:

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Song song với phòng chống dịch, cần phải tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển sản xuất để bảo vệ đàn lợn, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; thường xuyên và định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ, kinh doanh thực phẩm… Ngoài ra cần liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ để hình thành sản xuất sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền để vừa bảo đảm bảo vệ, phát triển chăn nuôi, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh hoang mang trong xã hội và đặc biệt để người dân hiểu đúng về dịch bệnh.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị: Đối với địa phương chưa có dịch bệnh: Tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua các cửa khẩu, giám sát chặt tại các địa điểm buôn bán, giết mổ, chợ… định kỳ thực hiện tiêu độc khử trùng. Tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cơ quan thú y khi cần thiết.

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Đối với địa phương có dịch bệnh, tiêu hủy toàn bộ lợn trong ổ dịch, thực hiện tiêu độc khử trùng vùng ổ dịch, vùng nguy cơ cao và vùng đệm. Thành lập các chốt kiểm dịch, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Thúy Nga