Ngày 1-7, phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Duterte bày tỏ hy vọng có thể “hạ cánh mềm” trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông khi Tòa trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết vào ngày 12-7 tới đây. “Có Chúa chứng giám, tôi thực sự không muốn khiêu chiến với bất kỳ ai”, ông Duterte nói. Trước đó, ông Duterte đã không ít lần phát biểu công khai về xu hướng muốn quay lại bàn đàm phán với Trung Quốc, kể cả phương án đàm phán song phương.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc rạn nứt sau khi cựu Tổng thống Philippines-Benigno Aquino kiện yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Bắc Kinh lên PCA vào năm 2013. Philippines cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển dựa trên “đường 9 đoạn” trên Biển Đông là vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), khiến Manila bị hạn chế khai thác tài nguyên và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng không theo kiện và đòi bác bỏ quyết định của tòa. Trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc đã phát động chiến dịch lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bắc Kinh nói rằng có 60 nước “ủng hộ lập trường Biển Đông” của họ, trong đó chủ yếu là các nước ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có tên trong danh sách đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố này của Trung Quốc.
Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên UNCLOS, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Nguyên Phong