Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên địa bàn; đã hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26-8-2023 về rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương. Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, mạng lưới đường bộ cao tốc trên cả nước đã được tập trung bố trí hiệu quả mọi nguồn lực của cả T.Ư và địa phương để đầu tư xây dựng. Đến nay, cả nước có 1.729km đường bộ cao tốc và đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng các dự án, phấn đấu đến cuối năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc.

Đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn một số trường hợp việc kết nối đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn chưa gắn kết, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương rà soát, hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực nhằm gắn kết các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế… hoàn thành trong quý IV năm 2023.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ GTVT khẩn trương báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc phối hợp với các địa phương xem xét ưu tiên bố trí vốn và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư bổ sung các nút giao cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra các không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thẩm định, trình các quy hoạch tỉnh phải chú trọng việc tổ chức không gian phát triển, phương án kết nối đồng bộ, khoa học, hiệu quả giữa mạng lưới giao thông tại địa phương với các tuyến đường bộ cao tốc. Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bảo đảm kết nối đồng bộ giữa mạng lưới giao thông tại địa phương với các tuyến đường bộ cao tốc; xây dựng phương án phát triển, khai thác hiệu quả các khu vực nút giao và các không gian phát triển mới gắn với các tuyến cao tốc.

UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí vốn và chủ động huy động các nguồn lực để đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với tuyến đường cao tốc nhằm tạo ra không gian phát triển mới của địa phương, nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp dịch vụ. Trong sử dụng, khai thác quỹ đất cần tập trung ưu tiên các dự án phục vụ sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, các dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tạo nguồn thu lâu dài cho địa phương, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương.

Tạo điều kiện cho kinh tế bứt phá

Tính đến thời điểm này đã có 6/11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông (giai đoạn 1) với tổng chiều dài 425km đã hoàn thành. Còn lại 5 dự án thành phần chưa thông xe, trong đó cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu chính thức thông xe trong lễ Quốc khánh 2-9. Hai đoạn tuyến QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe sẽ hợp với cao tốc Mai Sơn - QL45 trước đó, hình hài tuyến cao tốc Bắc - Nam đang dần thành hình theo đúng kế hoạch Chính phủ giao cho Bộ GTVT cũng như sự mong mỏi của người dân khu vực miền Trung.

CCB Nguyễn Phú Cường, trú tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thấy đường cao tốc hoàn thiện và đưa vào sử dụng, người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi. “QL1 đang trở nên chật chội, quá tải do lưu lượng phương tiện tăng nhanh, mất an toàn giao thông. Cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động sẽ đảm bảo giao thông thông suốt, chắc chắn sẽ kéo theo việc giao thương, buôn bán thuận lợi từ đó đưa kinh tế phát triển thêm” - ông Cường bộc bạch.

Với đoạn cao tốc QL45 - Nghi Sơn, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, các phương tiện có thể dễ dàng đi xuống từ nút giao Vạn Thiện giao QL45 rồi từ đó thẳng về T.P Thanh Hóa, gần hơn rất nhiều so với đi QL1A. Bên cạnh đó, từ QL45, người dân có thể xuống Khu du lịch biển Sầm Sơn hay đến bờ biển Tiên Trang còn sơ khai đậm chất làng chài ở huyện Quảng Xương. Hay như cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, sau khi đi qua cầu vượt hồ Yên Mỹ, đến nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, phương tiện có thể xuống tại nút giao lưu thông trên đường Nghi Sơn - Bãi Trành về hướng đông để xuống Khu kinh tế Nghi Sơn - nơi có Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và hệ thống cảng biển, xuống vùng biển Hải Hòa, Tĩnh Gia...

Cùng chung niềm vui, ông Hồ Văn Bằng ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: Sau khi cao cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động, chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao nhưng chắc chắn sẽ “kéo khúc ruột miền Trung” gần hơn với Thủ đô.

Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung trở thành khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất nước. Với vai trò là hành lang xương sống của cả nước, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, trong đó, 14 tỉnh miền Trung. Đây sẽ “đòn bẩy” thực sự thúc đẩy kinh tế miền Trung bứt phá.

Võ Hóa