Vẫn với giọng điệu cũ, ông Tương Lai viết rất xách mé: “Như thường lệ, chúng tôi lại ngồi cùng nhau trong ngày này để gợi lại những kỷ niệm, những nỗi nhớ thương về con người ấy với nỗi khắc khoải… giá lúc này có ông”.
Đây là lối viết hù dọa, điển hình của tư tưởng băng nhóm, bè cánh, một thói xấu của một số người đội lốt công chức, cơ hội. Họ đã góp một phần không nhỏ tạo nên căn bệnh “lỗi hệ thống” hôm nay.
Động cơ mà ông Tương Lai viết là vì, trước kết quả mới của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhà “rân chủ” Tương Lai lo xa bị bỏ rơi.
Một trong những thủ đoạn rất “thấp cờ” của Tương Lai là dựa vào thời gian làm “cố vấn” cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để viết những điều không được kiểm chứng, nhằm nói xấu các vị lãnh đạo đang đương chức hôm nay.
Nhưng do là chuyện nửa thật, nửa giả nên cũng dễ bị bóc mẽ. Điển hình là chuyện dưới đây:
Phản đối các nhà lãnh đạo đương thời trong quan hệ với Trung Quốc, Tương Lai viết: “Đại hội Đảng lần thứ XI lại đưa ra đánh giá, thời kỳ thực hiện Cương lĩnh 91 với những thành công có ý nghĩa lịch sử. Vậy thành công “có ý nghĩa lịch sử” đó là gì nếu không phải là làm chậm bước phát triển của đất nước, đặc biệt là với Hội nghị Thành Đô 1990, đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo lệ thuộc Trung Quốc…”.
Chúng ta đều biết, sau chiến tranh hai đầu biên giới, Mỹ và phương Tây cấm vận, mất chỗ dựa khi Liên Xô và cả hệ thống XHCN tan vỡ, nền kinh tế nước ta rơi vào thời kỳ kiệt quệ, đứng trước bờ vực của sụp đổ và hỗn loạn với siêu lạm phát kéo dài từ 500 đến 800%. Chính vì vậy chúng ta buộc phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mà đột phá khẩu chính là Hội nghị Thành Đô. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là kiến trúc sư của công trình khó khăn này.
Sau nhiều lần chuẩn bị, ngày 3-9-1990, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đoàn Việt Nam sang gặp Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Trung Quốc-Lý Bằng, tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, đánh dấu quan hệ Trung-Việt dần trở lại bình thường. Và ngày 5-11-1991, hai nước đã ký các hiệp định tại Bắc Kinh. Trong đoàn ta có nguyên Chủ tịch HĐBT (sau là Thủ tướng) Võ Văn Kiệt.
Đúng như ý kiến của Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt, khi ông trả lời một tờ báo nước ngoài: “Việt Nam có cả một quá trình giữ nước. Cách chọn lựa của Việt Nam là giữ được ổn định, làm sao tránh được đối đầu trong bất cứ tình huống nào. Nếu bất đắc dĩ chúng ta bị xâm lược, không có chọn lựa nào khác hơn là bảo vệ đất nước mình, nhưng chúng ta không chủ động gây sự”.
Như vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách đối ngoại nói chung, cũng như quan hệ với Trung Quốc và các nước láng giềng nói riêng là nhất quán, trước sau như một, phù hợp với xu thế thời đại. Thế mà Tương Lai “quên”, lại viết “chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, của đời sống đất nước ta”. Rồi ông ta than là giờ không có ai tài giỏi như Thủ tướng Võ Văn Kiệt!
Nói “Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, của đời sống đất nước ta” là một sự xuyên tạc, bịa đặt đến trắng trợn, vì so với toàn bộ lịch sử dân tộc, thì chưa bao giờ nước ta có vị thế độc lập như ngày hôm nay, không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Còn nhớ, sau việc ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thì ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây cũng là một thực tế lẽ ra Tương Lai phải thấy hổ thẹn khi nói rằng Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc!
Tóm lại tim đen của Tương Lai là chỉ muốn chống phá đất nước, muốn xuyên tạc, bôi nhọ chế độ hiện thời mà nguyên nhân chỉ là do Chính phủ giải tán cái “Ủy ban tham mưu” - nơi Tương Lai làm việc.
Đông La