Tham dự Hội thảo có 350 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên, Ban thư ký APEC quốc tế, các quan sát viên của APEC, đại diện các tổ chức quốc tế như Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), các học giả, doanh nghiệp trong nước và quốc tế… Đồng chí Phạm Bình Minh-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 dự và phát biểu tại Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017.
Sự kiện mở màn này là dịp để Việt Nam nắm bắt thêm sự quan tâm của các nền kinh tế thành viên, tranh thủ ý kiến của các đại biểu, các tổ chức quốc tế, giới học giả cùng doanh nghiệp Việt Nam và APEC về xu hướng hợp tác quốc tế và khu vực liên quan đến các hướng ưu tiên mà nước ta đã đề xuất.
ISOM là sự kiện đầu tiên trong tổng số năm hội nghị của các quan chức cao cấp APEC trong khuôn khổ Năm APEC 2017. Tại Hội nghị, Peru đã chính thức bàn giao vai trò Chủ tịch SOM APEC 2017 cho Việt Nam. Phía Việt Nam trình bày bốn hướng ưu tiên của Việt Nam về tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam sẵn sàng cho Năm APEC 2017 về mọi mặt, cả nội dung, hình thức và hậu cần. Đây là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ hai năm nay. Chính phủ lập ra Ủy ban Quốc gia Việt Nam về APEC 2017 gồm có 5 tiểu ban. Hiện cả 5 tiểu ban bao gồm tiểu ban Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền và Văn hóa, An ninh và Y tế, Vật chất và Hậu cần, cùng với Ban thư ký Quốc gia APEC 2017 đều đã sẵn sàng.
Trong cả năm 2017, Việt Nam sẽ tổ chức khoảng 200 hoạt động của APEC tại 10 thành phố lớn trong cả nước, trong đó hoạt động lớn nhất là Tuần lễ các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ năm 2006.
PV