Mỗi năm cấy trồng vài ba sào lúa không nuôi nổi mấy đứa con, ông bàn cùng vợ lợi dụng nước của cánh đồng mình bắt con lươn, con cá đem bán cho các nhà hàng ở Vinh, ở Hà Nội. Được bà Mai ủng hộ, ông tìm gặp những người đi đặt trúm bắt lươn, đặt đó trong làng và các làng lân cận thu mua lươn, cá về bán cao hơn chợ một giá. Ngày đầu ông mua được 500kg lươn, ngày thứ hai ông mua được 600kg và hiện nay mỗi ngày ông mua được 950kg đến 1.000 kg lươn thịt, đủ cung cấp cho quán ăn, nhà hàng, khách sạn TP Vinh. Một năm 365 ngày thì 360 ngày phải có lươn cho TP Vinh, như vậy mỗi năm phải có khoảng 300 tấn đến 320 tấn lươn thịt, có những năm giáp tết, khách hàng ở Vinh gọi ra cần có 500kg đến 600kg lươn thịt, ông lại phải cầu cứu các “vệ tinh” tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nam Định, thủ đô Hà Nội giúp để giữ chữ “tín” đối với khách hàng. Con lươn, con chạch đã vất vả, bây giờ thị trường Hà Nội lại đặt ông mua con rạm, con cua đồng để nấu riêu cua mỗi ngày 200 đến 300kg rạm. Ông lại phải huy động “đội quân tóc dài” đi bắt rạm. Như vậy ông có đội quân đi bắt lươn, đội quân đi bắt rạm lên tới 70 người…
Ông có tới 5 con, bây giờ hai đứa đang học đại học ở Hà Nội; một đứa đang học năm cuối ở trường PTTH Quỳnh Lưu và hai con đang học trường làng. Ông làm nghề dịch vụ lươn không chỉ tạo việc làm cho bà con trong làng mà còn có tiền nuôi các con ăn học. Bà con thôn giáo Cẩm Trường, xã Quỳnh Yên không chỉ khen ông là người kính chúa yêu nước, mà còn giúp đỡ được bà con xóa đói giảm nghèo.
TÚ AN