CCB Nguyễn Văn Tấn, quê huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhập ngũ năm 1979, vào Trung đoàn Pháo binh 6, QK 9, làm Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Campuchia. Hoàn thành nhiệm vụ, ông về phường Bình San, T.P Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang lập nghiệp.
Thời gian đầu, ông vay vốn người thân mở điểm trung chuyển các loại ốc biển để bán. Cơ ngơi dần phát triển, ông mua ô tô vận chuyển hàng hóa và trở thành một trong những vựa ốc lớn nhất T.P Hà Tiên. Năm 2006, ông bắt đầu nuôi cá bớp và cá mú; với 2 lồng bè, mỗi bè 6 hộc nhỏ, mỗi hộc rộng 5m3, do thiếu kinh nghiệm và chưa biết tính thời vụ nên bị lỗ. Vừa làm vừa học hỏi người nuôi trước và cán bộ khoa học, ông thả liền 400 con cá bớp giống. Thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, cá lớn nhanh, sau 9 tháng mỗi con nặng từ 5 đến 6kg; giá thị trường từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu về trên 250 triệu đồng. Từ năm 2009, CCB Nguyễn Văn Tấn đầu tư thêm 3 bè để mở rộng sản xuất. Ông Tấn cho biết, nuôi cá bớp và cá mú, chi phí đầu tư cao, thị trường tiêu thụ ổn định, dễ nuôi, cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao hơn các loại cá khác. Mỗi năm gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng từ nuôi cá và mua bán ốc biển; tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có con em CCB, CQN với thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/ người/ ngày.
Làm giàu cho gia đình, ông còn nhận hỗ trợ 6 học sinh nghèo hiếu học Trường THPT Nguyễn Thần Hiến (T.P Hà Tiên), mỗi em 700.000 đồng/tháng và 10kg gạo... Trong 5 bè cá, sau mỗi vụ thu hoạch ông Tấn đóng góp cho Hội CCB thành phố 1 bè (khoảng gần 300 triệu đồng) để chăm lo cho hội viên còn khó khăn và hoạt động xã hội.
Với những kết quả làm kinh tế và hoạt động từ thiện, CCB Nguyễn Văn Tấn được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, thành phố. Ông có 2 lần báo cáo điển hình toàn quốc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức.
Huỳnh Thể