Ngày 28-1-1973, Mỹ cho máy bay B.52 ném hai trận bom rải thảm xuống nơi đóng quân của cơ quan Trung đoàn 592 xăng dầu chúng tôi, làm 12 đồng chí hy sinh và hơn chục người bị thương. Được lệnh cấp trên, Trung đoàn bộ được chuyển vị trí sang phía nam đường số 9. Sở chỉ huy đóng dưới chân điểm cao 723.  

Nhiệm vụ của Trung đoàn lúc này là quản lý, vận hành cấp phát xăng dầu cho các đơn vị trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, vừa thi công đường ống kéo dài vào sâu trong chiến trường. Cùng lúc này, theo yêu cầu của Bạn, Trung đoàn quyết định làm một ngôi nhà gỗ tặng Huyện ủy Sê Pôn (Lào).

Để làm nhà tặng bạn, một Tổ mộc được thành lập, do đồng chí Khoan được điều từ Tiểu đoàn 968 lên phụ trách chung. Thợ mộc có các đồng chí Cương, Ngạn, Giang... và tôi - Nguyễn Quốc Thanh. Trung tá Diệm - chuyên gia Việt Nam tại Lào cùng đồng chí Hoàng Trần Kỳ - Phó chính ủy Trung đoàn 592 thống nhất với lãnh đạo Huyện ủy Sê Pôn, kiểu nhà.

Tháng 4-1974, Tổ mộc lên xe ngược đường số 9 sang thị trấn Sê Pôn, tỉnh Xa Van Na Khẹt. Tới thị trấn, xe rẽ trái đến một bãi đất bằng phẳng gần sông Sê Pôn. Tới nơi, tôi thấy đã có nhiều gỗ, tre... được phía Bạn chuẩn bị sẵn. Theo kế hoạch, anh em thợ chúng tôi khẩn trương dựng nhà bạt, ổn định tạm nơi ăn nghỉ, sinh hoạt và vài ngày sau triển khai ngay công việc. Thủ trưởng Diệm - chuyên gia giúp Bạn họp cả tổ truyền đạt nội dung công việc cụ thể, nguyện vọng của Huyện ủy Sê Pôn là có được một ngôi nhà gỗ khang trang làm trụ sở cơ quan Huyện ủy; trong đó có một yêu cầu là cột nhà được kê bằng đá... Anh Diệm trao đổi thêm một số phong tục tập quán của người Lào, một vài quy định trong quan hệ với cơ quan Huyện ủy. Phía Bạn chuẩn bị vật tư, nhân công phục vụ yêu cầu của chúng tôi. Ông còn dạy chúng tôi múa Lăm-vông, để giao lưu văn hóa văn nghệ với Bạn.

Sau ba tháng làm việc cật lực, trách nhiệm, dồn hết tâm huyết, kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, ngôi nhà hoàn thành theo yêu cầu của Bạn. Nhà ba gian, có chái; 4 vì cột - kèo, hơn sáu chục xà dọc - ngang được gắn kết bằng mộng... Tất cả được bào nhẵng bóng. Chái nhà có hàng cột hiên bao quanh. Nhà được lợp bằng cỏ tranh, do bà con dân bản cắt cỏ tranh, đan thành tấm, nên lợp rất đẹp. Một số vùng, người Việt mình cũng lợp nhà bằng cỏ tranh như vậy. Các chân cột kê bằng đá tảng, được cắt gọt vuông vắn, cao 50cm. Khi đó, chưa có điều kiện xẻ ván để thưng nhà, nên nhà chỉ được thưng bao quanh bằng phên nứa do bà con dân bản đan, khá trau chuốt. Ba gian nhà có ba cửa ra vào; hai gian hai bên có hai cửa sổ. Các cánh cửa làm bằng gỗ. Đặc biệt, mặt dưới đường nóc ngôi nhà, chúng tôi viết dòng chữ: "Tình hữu nghị Việt - Lào đời đời bền vững". Chữ màu đen, được chúng tôi viết bằng than lấy từ viên pin đèn "Con Thỏ". Về đồ đạc nội thất, chúng tôi đóng hai bộ bàn ghế làm việc và hai chiếc giường cũng bằng gỗ... Ngôi nhà hoàn chỉnh, được dựng trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, trông khá bề thế, đẹp mắt. Về tổng thể, nó vừa mang nét đặc trưng nhà ở người Lào vừa mang dáng dấp nhà ở cổ truyền người Việt.

Hôm khánh thành, phía Bạn tổ chức liên hoan mừng nhà mới. Cỗ bàn khá linh đình. Sau liên hoan "mặn" là màn múa hát. Trước sân trụ sở mới, mấy chiếc đèn đất tỏa ánh sáng rực cả một góc rừng. Người đến dự rất đông. Cán bộ, dân bản Lào, bộ đội và chuyên gia Việt Nam cùng cầm tay nhau Lăm-vông say sưa, điệu đà. Không khí đoàn kết, hữu nghị thật tuyệt vời. Màn múa hát kéo dài đến nửa đêm. Lễ tan, mấy anh em trong Tổ mộc chúng tôi được tặng mỗi người một chiếc khăn thổ cẩm rất đẹp, do các thiếu nữ Lào dệt.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày được làm "phó mộc" làm nhà giúp Huyện ủy Sê Pôn; anh em trong Tổ mộc ngày đó người còn, người đã mất, nhưng kỷ niệm về những tháng ngày sống chiến đấu, công tác trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và kỷ niệm về tình nghĩa thủy chung, vô tư giữa quân và dân hai nước Việt - Lào trong gian khổ, ác liệt chiến tranh vẫn là kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ của chúng tôi.

Nguyễn Quốc Thanh