Trong cuộc họp ở thủ đô Bru-xen (Bỉ) mới đây, các Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí thành lập Lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng chiến đấu cao (VJTF) vào đầu năm 2016 như một phần thuộc Lực lượng phản ứng nhanh của NATO (NRF). VJTF sẽ được triển khai vào đầu năm 2015 với quân số hạn chế trong khi chờ đợi một lực lượng tinh nhuệ hơn hiện đang được chuẩn bị, để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của các đồng minh trong trường hợp “bị đe dọa”.
NATO cũng tuyên bố viện trợ cho U-crai-na 15 triệu euro nhằm cải tổ quân đội nước này. Đây là bước đi tiếp theo của Mỹ và phương Tây nhằm trả đũa Nga trong cuộc khủng hoảng U-crai-na và cùng với những hành động khác, đang gây cho Nga những khó khăn, thách thức to lớn.
Bộ Phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 của Nga từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga An-tôn Xi-lu-a-nốp cho biết, Nga đang mất khoảng 40 tỷ USD một năm do lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời giá dầu giảm gây thiệt hại cho kinh tế Nga khoảng 90-100 tỷ USD mỗi năm.
Sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên, giá dầu thô đã giảm kỷ lục. Chốt phiên giao dịch 2-12, trên thị trường Niu Oóc dầu WTI giảm còn 68,53 USD/thùng. Trên thị trường châu Á, giá dầu giảm xuống mức 65,05 USD/thùng, theo Bloomberg.
“Giá dầu giảm 30% kể từ đầu năm, đồng thời, đồng rúp cũng giảm 30%. Giá dầu thay đổi như thế nào thì tỷ giá đồng rúp cũng sẽ biến đổi theo xu hướng như vậy”, ông Xi-lu-a-nốp cho biết thêm.
Khoảng một nửa tổng doanh thu quốc gia của Nga đến từ xuất khẩu dầu. Ngân sách cho năm 2015 của nước này được Hạ viện thông qua hôm 21-11 dựa trên mức giá 96 USD/thùng, tuy nhiên, giá dầu thô hiện đang lao dốc vượt xa mức này và được các giới quan sát dự đoán sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.
Các nhà phân tích kinh tế thế giới nhận định, nếu dầu mỏ sụt giá đến mức 40 USD/thùng, đó là viễn cảnh thảm họa: kinh tế Nga có thể sụp đổ.
Trong khi đó ngày 2-12, Nga công bố hủy xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” do phía Bun-ga-ri không cấp giấy phép dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU). Dự án có tổng vốn khoảng 40 tỷ USD với công suất 63 tỷ m3 khí đốt/năm. Các chuyên gia phân tích đều cho rằng, động thái mới này liên quan đến việc EU trừng phạt Nga và đây là “một thất bại của Nga trong việc muốn châu Âu phụ thuộc vào Nga về vấn đề năng lượng”.
Một số nhà phân tích Nga cho rằng Mỹ và đồng minh đang tìm mọi cách nhằm triệt hạ Nga, làm kinh tế Nga sụp đổ hoặc thay đổi chế độ chính trị ở Nga. Tuy nhiên, có thể khẳng định, phương Tây không thể làm được điều này trong bối cảnh Mát-xcơ-va đã có sự chuẩn bị. Theo Giáo sư V.Stôn, Học viện Hành chính trực thuộc Phủ tổng thống Nga, hiểu được những thách thức từ việc phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu mỏ, thấm nhuần bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, Tổng thống Pu-tin đã đưa ra Học thuyết chiến lược mới nhằm đưa nước Nga tránh được vết xe đổ từ thời “Chiến tranh lạnh”. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết thoát khỏi phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ nói riêng và tài nguyên nói chung, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học, kỹ thuật và những phát minh thiết kế của nước nhà.
Nhà phân tích Rakesh Krishnan Simha thuộc Trung tâm Global Research đánh giá, nhờ tầm nhìn xa chiến lược của Tổng thống Pu-tin và những người xung quanh ông, nước Nga đang giành ưu thế trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Trong lịch sử của mình, nước Nga từng nhiều lần đứng trước những cam go, thử thách khốc liệt. Tuy nhiên, như Tổng thống Nga Pu-tin đã khẳng định trong Thông điệp liên bang công bố hôm 4-12, nước Nga không muốn đất nước bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn, song cảnh báo rằng lực lượng vũ trang Nga có một lịch sử đầy oai hùng, không thể khuất phục được. Ông Pu-tin cũng cho biết Nga đang tìm kiếm các đối tác thương mại mới ở phía đông và tin rằng mục tiêu của phương Tây làm tổn thương nền kinh tế của Nga sẽ không phải là sự bất lợi về lâu dài. “Bởi lẽ chúng ta ngày một mạnh hơn. Mạnh hơn tất cả mọi người. Bởi vì chúng ta nắm chân lý. Chân lý là quyền lực. Khi nước Nga thấy rằng mình nắm lẽ phải thì đó là nước Nga không thể bị đánh bại”, người đứng đầu Điện Crem-lin nhấn mạnh.
Nguyễn Đăng Song