Trong thời gian hoạt động tại Bộ Tổng tham mưu ngụy và nội đô Sài Gòn từ những năm 1967 - 1975, những kỷ vật ấy đã theo Hai Kim trong mỗi chuyến đi công tác, bắt liên lạc chuyển giao tin tức, tài liệu ra cứ và chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên đến đồng chí Ba Minh (bí số H3); cùng Hai Kim lập những chiến công góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Thời tuổi trẻ, bà hăng say trong các hoạt động phong trào đoàn thể. Với sự phấn đấu học tập, rèn luyện hết mình, tháng 5-1949, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 9-1954, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, bà tạm xa gia đình, chồng con, tập kết ra Bắc. Bà đâu ngờ rằng buổi chia tay bên bờ kênh Đá Biên (Tân Thanh, Long An) chiều hôm đó lại là cuộc chia tay vĩnh viễn với người chồng trẻ và đứa con thơ yêu quí. Bởi mãi đến 17 năm sau, năm 1971, khi trở về hoạt động giữa nội đô Sài Gòn, bà mới hay tin con trai đã mất lúc mới lên 8 tuổi (năm 1959) vì một căn bệnh nặng, còn người chồng thì hy sinh năm 1966. Năm 1966, đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, bà được phòng Tình báo Miền tuyển chọn để hoạt động tại chiến trường miền Nam. Sau một thời gian được đào tạo về nghiệp vụ, tháng 4-1967, cô gái trẻ Thanh Xuân vượt vĩ tuyến 17 vào Nam theo con đường hợp pháp với tên gọi mới là Hai Kim. Về Sài Gòn, Hai Kim bị mất liên lạc. Một thời gian không lâu, Hai Kim móc nối được với tổ chức và được điều về Phòng Tình báo Miền (Đoàn J22) với nhiệm vụ chính là chỉ đạo xây dựng và tổ chức điệp báo hoạt động tại địa bàn Quân khu 9 và miền Đông Nam Bộ. Hai Kim xác định là phải thiết lập vỏ bọc hợp pháp cho mình, làm thẻ căn cước tùy thân để thuận tiện đi lại hoạt động. Hai Kim được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng lưới điệp báo H3 với bí số T2, trực tiếp xây dựng, chỉ đạo điệp viên Nguyễn Văn Minh (Ba Minh - bí số H3) là cán bộ của ta hoạt động trong Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu ngụy, làm văn thư bảo mật cho viên tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng. Lưới điệp báo xung quanh H3 trong vòng chưa đầy một năm đã báo về trung tâm 90 bản tài liệu, tin tức tuyệt mật có giá trị. Từ năm 1973 đến tháng 4-1975, dưới sự chỉ đạo của tổ trưởng Hai Kim, H3 đã cung cấp khối lượng tin tức đồ sộ có giá trị chiến dịch, chiến lược vô cùng quan trọng. Nhiều tài liệu nguyên bản có độ chính xác cao giúp cho cơ quan chỉ đạo chiến lược của ta hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của địch để có những quyết sách chiến lược kịp thời. T2 gặp H3 khi thì ở quán nước, lúc dưới dạng người chờ xe ôm, trao đổi rất nhanh rồi chia tay. Thời gian gặp nhau, cô luôn chính xác đến từng phút. Trong thời gian này, Hai Kim đã thường xuyên sử dụng những bộ quần áo, khăn quàng cổ, giày dép, ẩn mình với nhiều tên gọi và việc làm khác nhau, với tài cải trang khéo léo, phù hợp với từng vai diễn và cất giấu tài liệu tinh vi. Thẻ căn cước mang tên Lê Thị Đôn do điệp viên T2 sử dụng khi hoạt động trong nội đô Sài Gòn giai đoạn 1967-1975

Lưới tình báo H3 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có vai trò rất lớn của người nữ tổ trưởng điệp báo Nguyễn Thị Thanh Xuân. Với những chiến công và sự hy sinh cao cả trên mặt trận thầm lặng, bà đã được tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40, 50, 60 tuổi Đảng. Ngày 28-5-2010, bà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
** Bài và ảnh: Nguyễn Hương
**