Tôi vừa nhận được thư điện tử của Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng mời đến dự buổi gặp mặt báo chí ra mắt Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Đây là một công trình hết sức có ý nghĩa, được tác giả lặng lẽ phối hợp với một số CCB dày công thực hiện, để kỷ niệm tròn 10 năm sự kiện xuất bản “Mãi mãi tuổi 20” (2005 – 2015), với sự ra đời 2 cuốn nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm cùng phong trào “Tiếp lửa truyền thống” của các CCB với thế hệ trẻ….

Ảnh minh họa

** Người nổi tiếng với nhiều ý tưởng độc đáo**
Tôi thân quen với CCB, Nhà văn Đặng Vương Hưng từ năm 1984, khi cả hai chúng tôi được Quân đội cử về dự thi và trúng tuyển vào Đại học Báo chí khóa 6 của Trường Tuyên huấn Trung ương 1, nay là Học viện báo chí và tuyên truyền. Lúc đó Đặng Vương Hưng là Thượng úy, phóng viên báo Quân khu 1 và đã nổi tiếng với nhiều bài thơ, truyện ngắn viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đăng trên các báo Trung ương; trong đó có chùm bài đoạt Giải A cuộc thi sáng tác do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức (1981-1983).
Học báo chí được 2 năm, thì Đặng Vương Hưng xin dự thi, trúng tuyển và xin chuyển sang Đại học Viết văn Nguyễn Du khóa 3. Năm 1990 tốt nghiệp Trường viết văn, Đặng Vương Hưng trở về Quân khu 1, rồi chuyển ngành sang Nhà Xuất bản CAND, Chuyên đề An ninh thế giới...
Anh từng nổi tiếng là một cây bút phóng sự - tư liệu, đã góp phần làm nên “Thương hiệu An ninh thế giới” một thời. Bên cạnh công việc viết báo, đến nay CCB Đặng Vương Hưng đã lần lượt cho ra đời hơn 40 cuốn sách với nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, Phóng sự… và đặc biệt là thể loại sưu tầm, biên soạn, giới thiệu Thư và Nhật ký thời chiến.
Đó quả là một gia tài văn chương đáng nể! Nhưng khoảng hơn chục năm nay, nhà văn Đặng Vương Hưng còn nổi tiếng là tác giả ý tưởng và tổ chức nhiều Công trình tác phẩm “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo; có giá trị cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; góp phần thúc đẩy các phong trào của các đoàn thể và tổ chức xã hội; có ảnh hưởng sâu rộng và ý nghĩa sâu sắc. Anh là người sáng lập Tủ sách “Chuyện đời tôi” được công bố và khởi xướng từ giữa năm 2007. Hàng loạt tác phẩm thuộc tủ sách này đã ra đời với hơn 50 nhân vật, hầu hết là các CCB, cựu cán bộ kháng chiến… và một số tác giả là những bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất hạnh, nhưng với nghị lực phi thường, đã vươn lên trong cuộc sống. Anh là người nêu ý tưởng đồng thời trực tiếp tham gia Ban Tổ chức và Giám khảo cho một cuộc thi viết tự truyện độc đáo: “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, do Bộ Công an tổ chức năm 2011. Chỉ trong thời gian 6 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được 23 ngàn bài dự thi của các đối tượng là người đang thi hành án. Anh là người sáng lập và điều hành trang web Lục Bát Việt Nam với hàng vạn lượt người trong nước và nước ngoài truy cập hằng ngày, đồng thời tổ chức Lễ hội Lục Bát hàng năm thu hút hàng nghìn người từ khắp cả nước về tham gia…
Trong số các công trình ý tưởng độc đáo đã và đang thực hiện của Đặng Vương Hưng, nổi bật nhất là những ý tưởng-sự kiện liên quan đến chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ, như: Tổ chức cuộc vận động sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những Lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”; khởi xướng và tổ chức Cuộc vận động “Sưu tầm và Giới thiệu” những kỷ vật kháng chiến; khởi xướng và tổ chức Cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyên truyền” Kỷ vật Lịch sử Công an nhân dân v.v… Đây là những công trình ý tưởng sáng tạo đã làm nên tên tuổi Đặng Vương Hưng.

Chuyên sưu tầm, xuất bản “Thư và Nhật ký thời chiến”
Năm 2004, hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944/2004) và 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/2005) Đặng Vương Hưng đã cùng một số nhà văn CCB phát động Cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”. Hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký thời chiến được phát hiện, gửi đến ban tổ chức. Theo đó, gần 100 tác phẩm thuộc “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20” đã ra đời. Trong đó có 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã trở thành hiện tượng trong đời sống chính trị - xã hội của cả nước những năm 2005 - 2006. Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành phong trào rộng lớn “Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20” của thế hệ trẻ và các CCB; do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội CCB Việt Nam phối hợp tổ chức. Năm 2005, Đặng Vương Hưng đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT tặng Bằng khen vì đã có công sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn nhật ký này. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận Đặng Vương Hưng là “Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”. Hiện nay, anh là thành viên sáng lập và là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Mãi mãi tuổi 20...
Nhà văn Đạng Vương Hưng cũng là tác giả ý tưởng và tham gia tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến, được tiến hành trong 3 năm (2008 - 2010) do Tổng cục Chính trị, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng chỉ đạo. Cuộc vận động đã tiếp nhận hơn 11.000 kỷ vật, với 4 cuộc triển lãm, 3 cuộc giao lưu, 11 cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử... diễn ra tại ba miền, nhân những ngày kỷ niệm lớn của đất nước từ năm 2008 đến năm 2010. Trong đó, có nhiều kỷ vật gắn liền với chiến công hiển hách của các anh hùng, tướng lĩnh quân đội, có những kỷ vật rất đỗi giản dị, chỉ là những bức thư thời chiến, là những vật dụng thông thường của những người lính bình thường, của gia đình họ… Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều Tướng lĩnh, cán bộ cấp cao đã tham gia và ủng hộ kỷ vật cho Ban tổ chức. Trong Lễ Tổng kết Cuộc vận động được tổ chức trọng thể cuối tháng 12-2010, nhà văn Đặng Vương Hưng đã vinh dự được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp trao tặng Bằng khen.
Trở lại Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Công trình này giới thiệu hơn 300 lá thư của hơn một trăm tác giả. Người viết thư từ Chủ tịch Nước, Thị trưởng thành phố đến công nhân, nông dân; từ tướng lĩnh đến binh nhì. Có cả những thư của những người lính ở “phía bên kia” một thời. Sách dày hơn 800 trang, khổ lớn, được thiết kế thêm hộp thay phong bì…
Điều khác biệt là cách phát hành độc đáo: Cuốn sách này không bán ngoài thị trường. Nếu bạn muốn sở hữu, hoặc làm quà tặng cho người thân, chỉ cần có thư yêu cầu qua email: dangvuonghung@gmail.com (hoặc Nhà văn Đặng Vương Hưng - Café Lục Bát, số 40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; ĐT: 0913 210520); bản sách có chữ ký của Nhà văn sẽ được chuyển phát nhanh theo đường bưu điện đến tận địa chỉ nhà riêng của người nhận (giá lẻ: 300.000 đ/cuốn, kể cả cước phí). Tác giả cũng sẽ tặng sách miễn phí cho tất cả những CCB, thân nhân gia đình liệt sĩ đã đóng góp tư liệu cho cuốn sách, hoặc đã nhiệt tình tham gia cuộc vận động sưu tầm thư và nhật ký thời chiến nói trên./.

Mai Nam Thắng