CCB Phạm Thị Bạch Liên nhận bằng Hiền tài nước Việt tại chùa Thất Bỉu.

Hoa, lời chúc, nước mắt pha lẫn nụ cười hạnh phúc... Đó là cảm nhận mà chúng tôi có được trong buổi lễ trao tặng danh hiệu “Nhân tài nước Việt” do Viện nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực Việt Nam vừa trao tặng cho CCB Phạm Thị Bạch Liên, 90 tuổi, nguyên là nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định - nhân vật nguyên mẫu ni cô Huyền Trang trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” đã từng được khán giả cả nước biết đến.

Một lòng theo Đảng, giải phóng quê hương

Biết cụ Liên tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng những người làm báo chúng tôi biết là không dễ có những cơ hội để hỏi chuyện cụ như lúc này nên vẫn phải xin phép Ban Tổ chức hỏi chuyện cụ.

Cụ kể về ngày đầu tham gia Biệt động Sài Gòn trong giọng kể đứt quãng: “Thấy bọn Mỹ - ngụy đàn áp, tàn sát dân mình dã man quá, tôi nghĩ phải biết đứng lên đấu tranh, góp phần giành lại độc lập tự do cho đất nước. Chuyện cũng bình thường thế thôi. Và tôi quyết định gác lại đường tu hành đi theo cách mạng. Lúc đó chỉ biết chiến đấu và hy sinh chớ có nghĩ gì đến việc nhận khen thưởng của Đảng và Nhà nước. Hôm nay là một ngày hạnh phúc nhất nhưng… nhưng…”.

Nói đến đó giọng cụ chùng xuống với đôi mắt đỏ hoe. Chúng tôi hiểu trong giây phút này chắc cụ đang nhớ về đồng chí, đồng đội đã từng sống, chiến đấu cùng mình, mà số đông đã mãi mãi không về.

Cụ Liên sinh năm 1931 tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Năm 7 tuổi, cụ quy y tại chùa Phước Huệ (pháp danh Thích nữ Diệu Thông); năm 1959, tham gia đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Để qua mắt bọn địch, cụ Bạch Liên đã xây dựng một ngôi chùa mái lá mang tên Bổn Nguyên, thuộc quận 11. Đây cũng là cơ sở của T.Ư Cục Tình báo miền Nam.

Được sự phân công của tổ chức, cụ Bạch Liên dưới vỏ bọc là ni sư Diệu Thông đã thâm nhập, vẽ sơ đồ nhiều địa điểm quan trọng do địch chiếm đóng để Đội Biệt động làm cơ sở tấn công, trong đó có nhiều trận đánh do cụ trực tiếp chỉ huy.

         Một kỷ niệm tới giờ còn đọng lại trong lòng người nữ chiến sĩ biệt động kiên cường là việc cụ được đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng ta) tặng riêng một chiếc xe máy Honda nữ làm phương tiện hoạt động trong lòng địch.

         Cụ xúc động nhớ lại: “Lúc nhận xe, tôi cảm động quá, vì quan tâm của lãnh đạo nên cứ khóc hoài. Lúc đó ông Linh vỗ vai tôi rất thân mật và căn dặn tôi phải ra sức hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Tới giờ tôi vẫn còn nhớ như in lời căn dặn chân tình của một người chú, người anh, người chỉ huy mẫu mực của mình”.

Cụ Liên hài hước nói: “Đi trinh sát bằng chiếc xe ấy hên lắm. Lần nào cũng lập công, kể cả đánh vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), tòa Đại sứ Mỹ, Đài phát thanh... Chỉ tiếc là sau này tôi bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man, nên không đủ sức đi chiếc xe đó nữa”.

Tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng      

Ra tù về với đồng đội, nữ thương binh 2/4 Bạch Liên tiếp tục công tác tại Đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định và lập được nhiều chiến công xuất sắc với những trận đánh xuất quỷ nhập thần đã đi vào lịch sử. Đây chính là những tư liệu sống rất quý giá để hình thành bộ phim rất nổi tiếng với cái tên “Biệt động Sài Gòn” đã tái hiện hầu như nguyên vẹn cuộc đời anh dũng của người nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Bạch Liên.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Cụ Bạch Liên được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh T.P Hồ Chí Minh rồi nghỉ hưu năm 1982. Về huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cụ tiếp tục tu hành tại chùa Thất Bửu cho đến nay.

Thời gian nghỉ hưu, tuy bận việc tu hành, nhưng cụ vẫn dành thời gian đón xe về T.P Hồ Chí Minh thăm lại đồng chí, đồng đội đã từng chiến đấu trong tháng ngày gian khổ và vận động mọi người hỗ trợ, giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Đến đâu, cụ cũng động viên đồng đội phấn đấu vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống, không công thần, ỷ lại trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước.

Đặc biệt với uy tín của mình, mỗi năm cụ vận động hàng nghìn suất quà tặng cho hộ nghèo, hàng nghìn quyển sách, dụng cụ học tập, nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; ưu tiên nhất vẫn là con em của hội viên CCB khắp các địa phương.

Ông Cao Văn Hớn - hội viên Hội CCB thị trấn An Châu xúc động kể với chúng tôi: “Ngay sau ngày đất nước giải phóng, cụ Liên đã được Nhà nước xét cấp cho cụ căn Nhà tình nghĩa, nhưng cụ kiên quyết từ chối với lý do còn nhiều người khác khó khăn hơn, còn cụ đã có chỗ ở trong nhà chùa...”.

Với nhiều thành tích xuất sắc, CCB Phạm Thị Bạch Liên được Ủy ban T.Ư Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; năm 1985, được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều Huân, Huy chương khác. Đầu năm 2021, cụ vinh dự được nhận danh hiệu “Hiền tài nước Việt” ở tuổi 90.

Chia tay cụ Liên trong sân chùa Thất Bảo tràn ngập nắng xuân, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động nghĩ về sự hy sinh lớn lao của cụ nói riêng, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ nói chung, nay vẫn tiếp tục cống hiến những phần sức lực còn lại cho Tổ quốc và nhân dân.

Bài và ảnh: Trương Thanh Liêm