Ảnh minh họa về trí tuệ nhân tạo của Aiautotool.

Tình huống trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Kẻ huỷ diệt” khi con người và người máy phải hợp sức để phá huỷ hệ thống máy tính Skynet nếu không hệ thống này sẽ huỷ diệt thế giới đang trở thành nỗi lo ngại của các chính trị gia, các nhà khoa học và kể cả giới đầu tư hiện nay bởi tốc độ phát triển quá nhanh của trí tuệ nhân tạo (AI).

Công nghệ AI bắt đầu gây xáo trộn cuộc sống hằng ngày khi nhiều hình ảnh và video giả mạo cũng như văn bản do robot tạo ra, gây ra mối lo ngại từ thông tin sai lệch đến an ninh quốc gia. Chính quyền Mỹ mới đây thông báo sẽ đầu tư 140 triệu USD để lập 7 trung tâm nghiên cứu về AI và công bố hướng dẫn mới về việc sử dụng công nghệ tiên tiến này. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hạn chế rủi ro bảo mật liên quan đến AI trong bối cảnh công nghệ này phát triển nhanh chóng.

Bản thân Tổng thống Biden cũng cho rằng AI có thể là mối nguy hiểm và Nhà Trắng cũng ưu tiên giải quyết các vấn đề về AI. Tháng 2-2023, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn sự thiên vị và phân biệt đối xử trong các công nghệ ngay từ khi mới hình thành.

Trong khi đó, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biếtBộ trưởng công nghệ và kỹ thuật số các nước G7 đã tranh luận gay gắt về AI trong một cuộc họp đầu tháng 5 vừa qua. Theo tuyên bố chung được thông qua tại cuộc họp, các Bộ trưởng tái khẳng định nỗ lực thúc đẩy các quy trình đánh giá rủi ro của AI và đảm bảo tính minh bạch cao trong hoạt động này, cam kết giải quyết vấn đề thao túng thông tin và chống thông tin sai lệch một cách đồng bộ.

Giới đầu tư, kinh doanh công nghệ còn lo ngại về sự đe doạ của AI hơn cả giới chính trị. Tỷ phú Mỹ - Warren Buffett thậm chí còn so sánh sự trỗi dậy của AI với chế tạo bom nguyên tử. ÔngBuffett cho biết: Ông được bạn thân Bill Gates mời dùng thử ChatGPT. Dù ấn tượng với khả năng của chatbot, ông cũng lo ngại về sự phát triển quá nhanh của AI. “Chúng ta không thể đảo ngược quá trình phát minh, và các bạn biết đấy, chúng ta từng phát minh ra bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai với lý do chính đáng”. Ông cho rằng AI sẽ thay đổi thế giới và là bước tiến lớn, nhưng cũng đặt câu hỏi “liệu có tốt cho thế giới trong 200 năm tới khi một khả năng như vậy được giải phóng”.

Bình luận của Warren Buffett được đưa ra sau khi Geoffrey Hinton, ngườiđược gọi là “Bố già AI”, quyết định nghỉ việc tại Google để cảnh báo về sự nguy hiểm của AI. Ông cho biết: Điều tiếc nuối nhất đời mình là công trình nghiên cứu đạt giải Turing 2018 của ông và hai sinh viên đã dẫn đến sự bùng nổ AI hiện nay. Ông Hinton cho rằng, mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo đối với thế giới còn cấp bách hơn vấn đề biến đối khí hậu. Sự cạnh tranh khốc liệt về AI có thể không bao giờ dừng lại được nữa. Từ đó, một mối nguy là khắp nơi sẽ tràn ngập hình ảnh, văn bản giả mạo tinh vi đến mức không ai phân biệt được đâu là giả, đâu là thật…

Không chỉ Warren Buffet, Geoffrey Hinton quan ngại về AI mà Elon Musk và hơn 1.000 tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cũng đã ký vào một bức thư kêu gọi công ty, tổ chức toàn cầu ngừng cuộc đua siêu AI trong 6 tháng để cùng nhau xây dựng 1 bộ quy tắc chung về AI. Theo họ, đây bước lùi cần thiết để kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lạm dụng AI cho các mục đích nguy hiểm.

AI do con người tạo ra và giờ đây chính con người lại lo sợ AI sẽ đe dọ cuộc sống của con người. Tương lai về các robot sát thủ do AI tạo ra như trong phim ảnh biết đâu sẽ sớm trở thành hiện thực nếu con người không sớm có các biện pháp kiểm soát. Trong khi đó, các thông tin, hình ảnh, văn bản giả mạo do AI tạo ra hiện nay đã đủ làm cuộc sống của chúng ta đảo lộn.

Thanh Huyền