Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa những năm là học sinh.

(Qua hồi ức của thầy giáo Nguyễn Văn Đức)

Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, tôi được điều về tỉnh Hải Dương.

Năm ấy mới vào nghề dạy học, tôi 21 tuổi đầu, mới chớm có người yêu. Trò từ ba huyện "Kinh, Chí, Nam" (Kinh Môn, Chí Linh, Nam Sách) đến học ở hai lớp "Tám nhô" của trường cấp II, III Nam Sách. Hồi đó ba huyện mới có một trường cấp III. Nhiều em đã vợ con đàng hoàng (thường e thẹn, nói lảng, khi thày vô tình đến nhà chơi, "Con hả?", "Dạ, cháu bên hàng xóm"…). Nhiều em phải trọ học. Tối, các em thường đến với thày. Coi trò như bạn, tôi thường mang sáo ra thổi. Hết dân ca quan họ đến "Lý hoài nam". Láy như chim kêu, vuốt như gió thổi. Trò phục thầy lắm, tuy tôi tự biết, so với hai ông bạn Đinh Thìn và Ngọc Phan (cùng học sáo cụ Ly) thì tôi chỉ là con tép. Nhưng chất ông giáo rất đậm trong tôi. Có gì dạy nấy ngay, toàn tâm. Trò thi nhau tìm trúc đẽo sáo.

Nghề thày lấy cái tâm, cái tình làm trọng "Tất cả vì học sinh thân yêu", tôi nghĩ, không chỉ là khẩu hiệu mà là phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục hạng nhất. Tôi nhớ những ngày ấy, những trò ấy không kém gì họ nhớ tôi. Nhớ họ và thương cho những trò khác đang theo nghề dạy học. Có em vì kinh tế kém hay "sòng phẳng" trong việc đòi công dạy thêm, còn nỡ nói "công sao, dạy vậy". Tôi cứ muốn nhắc một điều: Đừng làm mất đi cái lung linh của nghề, cái vị tha bác ái của nghề. So nghĩ tới tình thế hiện nay, nhà giáo sống trong đói nghèo, giữ cái thiện tâm, cái nhiệt huyết cực khó.

Một trong những gương mặt học sinh để lại nhiều ưu ái trong đời dạy học của chúng tôi là Trần Đăng Khoa. Em trở nên quen thuộc với các giáo viên cấp III từ khi em còn học cấp I. Khi ấy trường chúng tôi về đóng tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng quê em để tránh xa trục giao thông đường 5 đang bị giặc Mỹ bắn phá… Khoa thời còn nhỏ có sức cuốn hút rất kỳ lạ với mọi người. Em đi vào nhiều giai thoại với tư cách một thần đồng về thơ. Có người nghĩ là em được trọng vọng, chiều chuộng như cây cảnh. Nhớ lại mới thấy đúng và cũng chưa đúng. Gần em mới thấy, em phải gánh chịu một mình tất cả những thử thách của một tài năng. Không ai chia sẻ được những nặng nề mà em riêng chịu, còn những vinh quang thì em có thể sẻ san cho cả nước. Nhìn Khoa sống, học hành, làm thơ tôi thấy ở em tấm gương lớn cho học trò và cả chúng tôi. Những ngày ấy, em như một tấm gương không sao theo kịp. Riêng ba năm học cấp III (1971-1975), ngoài việc nhà, việc lớp, em đã sáng tác một khối lượng dồi dào, đa dạng: Viết hai tập thơ ("Từ ngọn lửa sinh ra" 19 bài, "Lá bàng mùa đông" 26 bài), hoàn thành tiểu thuyết "Bước chân thứ nhất" tập 1, viết hai trường ca công phu và vang dội nhất ("Trừng phạt", được giải ở Ấn Độ, dài 577 câu; "Khúc hát người Anh hùng" viết về nữ Anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, được tặng giải nhất của tạp chí Văn nghệ Quân đội, dài 1.173 câu). Để viết ngần ấy tác phẩm, em phải vượt biết bao thử thách tất yếu của lao động sáng tạo. Và khá nhiều cái kỳ cục, ấu trĩ, nhớ lại thấy thương cho cả một thời. Một hôm, đến nhà Khoa, thấy em nằm trên chõng tre, mặt úp vào hai tay. Tôi đùa:

- Sao nằm đây, bố vừa cho ăn đòn hả?

Không thấy em cười và trả lời lếu tếu như thường ngày, Khoa đáp:

- Hơn bị đòn thày ạ!

Hóa ra địa phương quá yêu đã cử một đội "bảo vệ" khu nhà em ở. Ai tới thăm phải có giấy phép cấp Ty, Sở ký. Một ông già từ tỉnh Thái Bình mến tiếng tăm của em, chạy xe mấy chục cây số tới Nam Sách thăm em, song không có giấy, bị chặn hỏi từ đầu ngõ. Nhà xin cho ông già chẳng lại. Chắc vì họ phải dẹp quá nhiều khách yêu thơ "không mời mà đến". Tôi bảo em:

- Họ bảo có họa "Nhân giai - văn phẩm" gì đó định đến để làm hỏng em đấy. Với lại nhiều người thăm quá đông thì học sao được…

Em thở dài và ngồi lặng đi. Nét ngây thơ như rơi đâu mất. Mắt như nói câu em vẫn hay ngâm: "Đời không phải thế đâu, không phải thế"… Mấy hôm sau tự nhiên em bảo tôi:

- Em thương ông già Thái Bình quá… Em không phải ở vườn Bách Thảo, em ở nhà em…

Có lần, Huyện đội cho gọi em đến, em qua rủ tôi đi cùng. Đây là đôi câu trong lệnh của vị lãnh đạo Huyện đội:

- "Quân khu hội diễn, anh phải làm một bài để cử người ngâm. Chú ý huyện ta "sinh - đẻ - kế - hoạch" vừa đạt được Huân chương hạng ba. Đàn lợn đã vượt khung ngàn con…”.

Tôi ngồi đỏ tai vì ngượng, vị ấy còn động viên Khoa thêm:

- "Anh nên nhớ, gia đình anh đã… đã… Nay vào bộ đội phải… phải… lập công".

Tôi ù cả tai và lạ lùng vì Khoa ngồi bình tĩnh, chịu trận.

Kỳ đó em làm được bài thơ dài, nhiều câu kỳ thú: "Quê em lúa chín vàng hoe - Phù sa đỏ đất, bóng tre xanh trời"…

Thời ấy và cho đến nay, em vẫn giữ được cách cư xử rất đúng mực, rất ân cần đối với các thày giáo cũ. Tôi nhớ những đêm ngủ ở nhà em, em sợ màn cũ vá nhiều chỗ, muỗi lọt vào nên dọi đèn soi rất kỹ. Nồi khoai luộc, bát cháo loãng ngày giáp hạt cũng không ảnh hưởng gì tới giọng thơ em đọc say sưa, nồng nàn: "Bám rễ nào, lúa ơi! Đất đây mà, đất, đất"… Tôi biết, ngoài tư cách là "độc giả chọn lọc", các giáo viên cấp II, III góp rất ít đến sự phát triển tài năng đã vào độ chín (thời nhỏ) của em. Em đã từng dí dỏm bảo tôi: "Thày ấy có cách dạy văn của người mở nút chai… két, két…". Có lúc thở than: "Thày ạ, chương trình văn một nửa thiếu văn, một nửa vô dụng". Tôi phải sửa nhẹ cho cậu bé: "Chớ nói theo mà dại đó"… Em lại lảng bằng nụ cười rất thơ ngây… Tôi hay kể về lối sống và cách cư xử của Khoa cho các lớp học trò sau nghe, hầu hết các nét của bức tranh này thật giản dị mà đẹp. Gương sáng của những học sinh như Trần Đăng Khoa trong học tập sẽ là những tấm gương không gì che lấp được. Chỉ có điều hiện nay đang vận động tiến lên, đổi mới nhớ lại để thêm cảm thông với công việc vô vàn nặng nề của đồng nghiệp gần xa…

Lê Hồng Thiện

(Trích hồi ký "Ba mươi năm bảy tháng trong nghề dạy học” của thầy giáo Nguyễn Văn Đức, dạy Ngữ văn Trường cấp III Nam Sách, Hải Hưng (1971-1975)