Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, nguy cơ “chưa giàu đã già” sẽ trở thành hiện hữu.

Theo UNFPA, dân số già là khái niệm chỉ tình trạng tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% tổng dân số (tương đương tỷ lệ 14% đối với người từ 65 tuổi trở lên); còn xã hội siêu già là khi tỷ lệ người từ 60 trở lên chiếm trên 25% (tương đương tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20%).

Theo số liệu của Bộ Y tế, vào trung tuần tháng 4-2023, quy mô dân số Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu người. Hiện nay, dân số Việt Nam đạt hơn 101 triệu người và thuộc nhóm 16 nước đông dân nhất thế giới. Việt Nam  đang đối mặt tình trạng già hóa, điều tất yếu với một quốc gia vừa tăng nhanh tuổi thọ, vừa giảm mạnh tỷ lệ sinh. Không những thế, tốc độ già hóa ở Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới. Năm 2024, cả nước có 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019. Dự báo của Cục Thống kê đến năm 2030, con số này sẽ xấp xỉ 18 triệu người. Điều này cho thấy, giai đoạn 5 năm tới, số lượng người cao tuổi sẽ tăng rất nhanh so với 5 năm trước đó (tăng gần 4 triệu người so với năm 2024). Trong khi tốc độ gia tăng dân số ở nước ta liên tục giảm trong những năm gần đây. Mức sinh hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ.

Điều thách thức lớn với nước ta là già hóa nhanh trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân lại tăng chậm. Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số. Hơn 10 năm đầu giai đoạn già hóa, thu nhập trung bình của người Việt Nam từ 1.300 USD/người/năm tăng lên khoảng 4.700 USD/người/năm (năm 2024), thoát khỏi nhóm các nước trung bình thấp. Trong thời gian đó, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ hơn 7% lên 9,3%.

Đến năm 2036, dự báo tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 14,2% dân số, khi đó Việt Nam sẽ chuyển sang “xã hội già”, nên nếu thu nhập của người Việt chưa tăng kịp lên thành nước có thu nhập cao (tạm thời lấy mức 14.000 USD/người/năm theo phân loại của Ngân hàng Thế giới vào năm 2024) thì nỗi lo “chưa giàu đã già” không còn là nguy cơ mà có thể sẽ trở thành hiện hữu.

Có hai cách chính để giảm thiểu nguy cơ “chưa giàu đã già” là tăng dân số trẻ và thúc đẩy việc tăng nhanh thu nhập của người dân.

Muốn tăng dân số trẻ, cần phải  khuyến khích việc kết hôn đúng lứa tuổi, sớm sinh con sau kết hôn để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.  

Được biết, Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, trước mắt bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con. Dự thảo Luật Dân số (thay thế Pháp lệnh Dân số) cũng đang hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Luật Dân số  là cơ sở pháp lý quan trọng để duy trì mức sinh thay thế, đảm bảo quy mô dân số hợp lý và thích ứng với quá trình già hóa dân số. Trong đó, riêng về mức sinh, dự kiến cho phép cặp vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Bộ Y tế đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ hai được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng.

Về giải pháp tăng nhanh thu nhập của người dân, mới đây, Quốc hội đã quyết định về tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Với đường lối đổi mới sâu rộng và công cuộc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị cùng với các giải pháp kiên quyết và đồng bộ để bảo đảm duy trì mức sinh thay thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hy vọng tình trạng“chưa giàu đã già” sẽ không xảy ra .

Điều quan trọng nhất lúc này là  nhân dân cả nước, trong đó có các CCB cần đoàn kết, nỗ lực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm quy mổ dân số hợp lý, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội với bảo vệ môi trường, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Anh Minh