Tin vui lan đi từ thủ đô Doha của Qatar ngày 29-2 khi Mỹ và lực lượng Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình, mở ra triển vọng chấm dứt xung đột ở Afghanistan. Gọi là tin vui nhưng nó chỉ vui một nửa khi thỏa thuận giúp Mỹ chính thức chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của mình, để lại sau lưng một Afghanistan tự loay hoay đi tìm hòa bình.

Trước thời điểm thỏa thuận được ký kết, Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố “Những cam kết này là một bước tiến quan trọng đối với nền hòa bình lâu dài ở Afghanistan, nơi sẽ không còn al-Qaeda, không còn tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và bất kỳ nhóm khủng bố nào khác để có thể tìm cách gây hại cho chúng ta”. Ông Trump cũng hối thúc người dân Afghanistan nắm bắt cơ hội để có một tương lai mới. Trong khi đó, các thủ lĩnh Taliban đã lệnh cho toàn bộ tay súng thuộc lực lượng này không thực hiện bất kỳ hình thức tấn công nào để mang lại hòa bình cho Afghanistan.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút một phần trong tổng số 12.000-13.000 binh sĩ tại Afghanistan vào cuối mùa hè này và bước đầu giữ lại khoảng 8.600 binh sĩ. Kế hoạch rút quân tiếp sau đó sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở Afghanistan. Đổi lại, Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế Al-Qaeda hoặc IS lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tấn công Mỹ và các đồng minh. Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban cũng được kỳ vọng sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Taliban và các lực lượng chính trị ở Afganistan.

Cái giá của cuộc chiến ở Afghanistan quá đắt cho tất cả các bên. Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hơn 100.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng và bị thương do chiến sự tại nước này trong thập kỷ qua. Trong khi đó, cuộc chiến kéo dài hơn 18 năm qua tại Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ hơn 750 tỷ USD. Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi bắt đầu triển khai quân đội tại Afghanistan vào năm 2001 đến nay số binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại đây đã vượt quá 2.400 người.

Năm 2001, khi Mỹ tấn công Afghanistan nhằm tiêu diệt Al-Qaeda, Mỹ coi Taliban là kẻ thù. Quan điểm đó chỉ thay đổi khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ với cam kết chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan. Việc đạt được thỏa thuận lần này sẽ thực sự giúp ông Trump lấy lòng cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Lính Mỹ sẽ không phải chịu thêm thương vong, nước Mỹ không phải tốn thêm tiền vào cuộc chiến không hồi kết, ông Trump thực hiện được cam kết của mình nhưng Afghanistan sẽ phải đối mặt với một tương lai bất ổn định. Một Afghanistan với địa hình hiểm trở, nhiều vùng đất được các thủ lĩnh quản lý, là nơi ẩn náu lý tưởng của các mạng lưới khủng bố thì không có gì đảm bảo rằng vùng đất của những cuộc chiến này sẽ sớm tìm được hòa bình. Chính cựu cố vấn Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Carter Malkasian cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu như Mỹ rút đi trước khi Taliban và Chính phủ Afghanistan đạt được một thỏa thuận chính trị. Theo Carter Malkasian, sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết. Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Michele Flournoy cũng cảnh báo nguy cơ Taliban đi ngược lại các cam kết về bảo đảm an ninh.

Hòa bình cho Afghanistan sẽ do người dân nước này tự quyết định nhưng cánh cửa cho hòa bình chỉ có được khi Taliban và Chính phủ Afghanistan hiện nay nhất trí đàm phán và đi đến một thỏa thuận. Điều này rất khó xảy ra. Thế nhưng, việc đàm phán mang lại kết quả như thế nào thì giờ sẽ là chuyện riêng của Afghanistan trong mùa bầu cử Mỹ.

Ngọc Hưng