Vừa rồi, tôi có dịp “mục sở thị” trang trại của hai CCB: Đỗ Văn Nhuệ và Hà Thanh Xuân, hội viên Hội CCB xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Từ ngoài nhìn vào trang trại của CCB Đỗ Văn Nhuệ như một khu du lịch sinh thái, qua một ao ươm cá giống rộng chừng 3 sào, xung quanh lát gạch và xây bờ chắn, đến ao thả cá thịt, gồm đủ các loại từ trắm, trôi, mè, vược đến cá nheo, cá chim, diện tích tới 1 ha.

Bên bờ nuôi cá là khu nuôi gà rộng 500m2, gồm hàng ngàn gà thịt và gà đẻ trứng, mỗi ngày xuất bán hàng chục ki-lô-gam và 800 quả trứng. Xung quanh bờ ao và khu nhà ở là những triền đồi thoai thoải, diện tích trên 3 ha, cây cà-phê hơn 2 năm tuổi đang lên xanh tốt , xen vào đó là sắn, mỗi năm thu hàng chục tấn củ, chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi gia cầm và nuôi cá. Nhiều năm nay, gia đình anh được biết đến sự khá giả nhờ mở cửa hàng dịch vụ ăn uống. Trong tương lai gần, việc thu nhập bạc tỷ với CCB Đỗ Văn Nhuệ là ở trong tầm tay.

Chỉ cách vài chục mét, đối diện với trang trại của anh Nhuệ, là trang trại của CCB Hà Thanh Xuân. Ngoài ao cá rộng gần một mẫu, anh Xuân dành 800m2 dựng nhà và khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, còn lại trên 6 ha là diện tích trồng chè. Bên cạnh chuồng gà là khu chuồng lợn rừng lai với số lượng thường xuyên trên 30 con, trong đó riêng lợn giống mỗi lứa từ 15 đến 20 con, trọng lượng khi xuất chuồng 15-20 kg/con. Những con lợn không đảm bảo chất lượng giống, anh Xuân cho nuôi lớn thành lợn thịt thương phẩm. Mới đây, dịp hội nghị giao ban cụm, Hội CCB huyện đã tổ chức về tham quan mô hình trang trại của các anh.

Bài và ảnh: HẢI THỌ