Bộ đội Trung đoàn 48 và du kích huyện 5 (Gia Lai) sau những ngày mở đất giành dân ở khu vực đường 14 (tháng 9-1972)

Chỉ sau một thời gian ngắn từ Mặt trận Kon Tum “lật cánh” xuống Gia Lai, các đơn vị của Sư đoàn 320 phối hợp cùng các lực lượng đã san bằng hệ thống đồn bốt của địch trên đường 19 từ Chư Bồ về Thanh An, giải phóng hàng nghìn dân. Để tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ cho địa phương phát triển cơ sở cách mạng, đầu tháng 9-1972, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định đưa Trung đoàn 64 (thiếu) được tăng cường Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7mm sang phía đông, kết hợp với Tiểu đoàn 12 (Tỉnh đội Gia Lai) và du kích địa phương đánh địch để mở đất, giành dân.

Trong đội hình Đại đội 1, Trung đội 1 của tôi tăng cường cho Tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ đánh cắt giao thông từ Phú Mỹ đi Mỹ Thạch. Trải qua những trận đánh ác liệt từ Kon Tum về Gia Lai, quân số đơn vị đã hao hụt, ở Tiểu đoàn 2 mỗi đại đội chỉ còn chưa đầy 20 tay súng, nhưng tất cả vẫn tự tin bước vào trận đọ sức mới.

Phú Mỹ là khu vực khá bằng phẳng, có ngã ba đường 21 nối với đường 14, cách Pleiku 20km về phía nam. Là vị trí khá đắc địa trên trục đường giao thông huyết mạch giữa Pleiku và Buôn Ma Thuột nên địch cho 1 đại đội bảo an chốt giữ, khi chiến sự xảy ra, Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23 ngụy) sẽ cơ động lên ứng cứu. Để tạo “hàng rào” bảo vệ, địch dồn dân, lập các “ấp chiến lược” dọc hai bên đường. Sau nhiều ngày nghiên cứu địa hình và quy luật hoạt động của địch, chỉ huy Tiểu đoàn 2 quyết định chọn khu vực cách ngã ba đường 21 về phía nam hơn 1km làm vị trí đặt trận địa chốt.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng trận địa, vào một buổi sáng, khi mặt trời lên khoảng một con sào, trung đội bảo an địch ngồi trên 2 xe GMC và 3 chiếc xe bọc thép M113 từ phía bắc cơ động xuống tuần tra. Địch khá chủ quan nên đi rất gần nhau. Chờ đội hình địch vào giữa trận địa, các cỡ súng của ta đồng loạt nổ giòn. Chiếc M113 đi đầu và hai chiếc xe GMC trúng đạn bốc cháy, bọn địch trên xe phần lớn bị tiêu diệt. Hai chiếc M113 còn lại vội tản ra bắn như đổ đạn. Vài phút sau, 1 chiếc M113 nữa bị trúng đạn B40 nổ tung. Chiếc còn lại vội quay đầu chạy về phía sau…

Khi khói thuốc súng chưa kịp tan thì pháo địch bắn tới tấp vào khu vực trận địa của ta. Pháo địch vừa dứt thì 4 chiếc trực thăng “cá lẹp” phành phạch bay đến, nhanh chóng hạ thấp độ cao bắn đại liên, phóng rốc-két xuống khu vực trận địa chốt của Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2). Trước tình thế đó, trận địa 12,7mm của chúng tôi lập tức nhả đạn chống trả. Một chiếc máy bay địch dính đạn, phụt khói đen ngòm lao về phía bắc, khiến những chiếc còn lại sợ hãi, vội nâng độ cao, rồi mau chóng biến mất. Từ đó đến chiều cùng ngày, địch cho pháo bắn từng chập và tổ chức trinh sát trên không.

Ngày hôm sau, mới hơn 7 giờ sáng, 1 chiếc L19 đã vè vè bay tới, rồi lao xuống phóng pháo khói vào khu vực trận địa Đại đội 6. Chưa đầy 3 phút sau, một tốp 3 chiếc A37 đã ào tới, khai hỏa. Cùng lúc, hai dòng đạn lửa vút lên, tên “giặc trời” loạng choạng, cố cắt bom rồi lao về hướng tây. Bị sức hút của máy bay, quả bom dài ngoẵng bay theo và rơi sau trận địa đến 500m mới nổ tung. Hai chiếc sau thấy vậy, liền đổi hướng bổ nhào, cắt bom bừa bãi rồi biến mất. Khi vừa dứt tiếng bom, bộ binh địch chia làm hai mũi có xe tăng, thiết giáp dẫn dắt tiến vào trận địa của ta. Bất thần, các chiến sĩ Đại đội 6 từ trong công sự được ngụy trang kín đáo bật lên đồng loạt nổ súng. Ngay loạt đầu đã diệt hơn 30 tên, thiêu cháy 1 xe tăng M41.

Sáng sớm ngày thứ ba, địch cho pháo bắn cấp tập hàng giờ liền vào trận địa của Tiểu đoàn 2, rồi đưa bộ binh vào giao chiến. Thế nhưng chúng đâu có ngờ, các cỡ súng của ta lại bất ngờ nổ giòn. Chỉ chưa đầy 30 phút, gần 1 đại đội, 2 xe M113, 1 xe tăng M41 của địch bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Đại đội 6 cũng hy sinh thêm 6 đồng chí, trong đó có Đại đội trưởng Nguyễn Tiến Mạo.

Phối hợp với Tiểu đoàn 2, các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 cũng hoạt động mạnh từ Mỹ Thạch đến Phú Quang và Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) đánh mạnh từ Phú Quang đến Nhơn Hòa. Bị ta chặn đánh cả hai đầu, địch ở phía sau không lên được, bọn ngụy quyền ác ôn trong các “ấp chiến lược” sợ hãi, co lại. Chỉ 3 đêm, bộ đội Tiểu đoàn 12 và du kích đã hỗ trợ các đội công tác tuyên truyền, phát động bà con trong các “ấp chiến lược” đứng lên diệt ác, phá kìm trở về làng cũ.

Phải đối phó với ta trên một chặng đường dài hàng chục cây số, lại bị mất hệ thống ngụy quyền cùng hàng chục “ấp chiến lược”, địch rất cay cú nhưng chưa tìm được cách gì chống đỡ. Những ngày sau, địch cho pháo bắn cầm canh từng đợt vào trận địa của ta; đồng thời cho máy bay L19 bay dọc phía tây đường 14 từ Phú Mỹ đến Nhơn Hòa liên tục phát ra những bài ca ủ ê buồn bã rồi phát lời kêu gọi: “Hỡi các bạn cán binh Trung đoàn 48 và Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320 chính quy Bắc Việt. Các bạn đang bị bao vây chặt. Các bạn hãy bỏ súng trở về với chánh nghĩa quốc gia. Các bạn hãy mau tự quyết định lấy tương lai của mình trước khi Quân lực Việt Nam cộng hòa mở đợt tấn công cuối cùng (!)”. Không đánh nổi thì dùng ngón đòn tâm lý chiến. Nhưng chúng tôi cũng hiểu, địch chưa chịu bỏ cuộc.

Phán đoán địch sẽ tăng quân tiếp tục đột phá, chỉ huy Tiểu đoàn 2 chỉ đạo các đơn vị ổn định tổ chức, củng cố trận địa, đồng thời đưa Đại đội 7 dự bị vào chiến đấu. Bảy ngày sau, địch cho 1 tiểu đoàn từ phía sau lên, có xe tăng, thiết giáp yểm trợ mở đợt tấn công mới, nhưng đã vấp phải sự phản công mãnh liệt của ta, khiến hơn 100 tên địch phải bỏ mạng, 2 xe tăng M41, 3 xe M113 và 1 máy bay bị tiêu diệt. Trong trận này, tuy ta cũng bị tổn thất về người, nhưng hiệu suất chiến đấu cao; khí phách kiên cường và lối đánh nhanh, táo bạo của bộ đội khiến quân địch phải chùn bước.

16 ngày đêm chốt chặn dưới mưa bom bão đạn của địch, chúng tôi vẫn giữ vững trận địa. Đường 14 bị cắt đứt, hệ thống đồn bốt và “ấp chiến lược” của địch từ Phú Mỹ đến bắc Nhơn Hòa bị phá tan, hơn 7.000 người dân được giải phóng trở về quê cũ…

         Nguyễn Hùng Tấn