Có thể nói lịch sử nhân loại cho đến nay chưa bao giờ cộng đồng quốc tế lại phải đối diện với một dịch bệnh lớn, nguy hiểm và phức tạp như đại dịch Covid-19 (viết tắt là dịch) và các biến thể của nó gây ra.

Đầu năm 2020, dịch đã lây lan trên tất cả các châu lục. Ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố - kêu gọi phòng, chống và gọi dịch là “đại dịch toàn cầu”. Trước đại dịch này, Đảng và Nhà nước ta đã sớm đề ra quan điểm và chiến lược, phòng chống dịch: “Chống dịch như chống giặc”.

Còn nhớ trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, chúng ta phải thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện để chống giặc, dựa trên lực lượng Quân đội làm nòng cốt…, thì nay trong chiến lược ứng phó với đại dịch, Quân đội và Công an cũng vẫn là lực lượng nòng cốt cho toàn dân chống dịch.

Chiến lược và kỹ thuật chống dịch có những nét đặc biệt - đòi hỏi cả về mặt y học và xã hội. Về mặt xã hội, chiến lược này phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, ngăn ngừa những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước yêu cầu của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Quân đội ta đã sớm đưa lực lượng Quân đội tham gia chống dịch và quân đội đã thực sự là lực lượng góp phần rất quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân chống dịch thành công.

Vậy mà những ngày gần đây trên mạng xã hội, những kẻ kỳ thị với chế độ ta ở trong và ngoài nước lại tung tin xuyên tạc rằng: “Quân đội thì phải chống xâm lược, phải canh gác bảo vệ biên giới”. Một tài khoản khác thì nói: “Dân có phải là giặc đâu mà đưa quân đội cầm súng trấn áp dân ra đường” (!) Đúng là những tiếng nói không chỉ lạc lõng mà còn làm hoen ố môi trường mạng!

Họ không thấy, hay cố tình không thấy những chiến sĩ Quân y cứ có lệnh là đi vào tâm dịch với khẩu hiệu: “Tìm tới dân trước khi dân tìm tới mình”. Đó là chưa kể không ít những chiến sĩ nữ quân y phải gửi lại con thơ cho gia đình chăm sóc để đi vào vùng dịch… Điều khó khăn nhất đối với các chị là tình thương yêu của người mẹ với con nhỏ bị xa cách… Ánh mắt, nụ cười của con thơ đối với người mẹ làm sao các chị quên được. Nhưng nhiệm vụ giúp dân, lo cho sinh mạng của nhân dân đã thôi thúc các chị lên đường.

T.P Hồ Chí Minh đang là tâm dịch toàn quốc. Nơi đây rất cần có sự chi viện của cả nước. Tại đây lực lượng Quân đội đã phối hợp với chính quyền địa phương trao hàng nghìn phần quà miễn phí, bao gồm các nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, nước tương, sữa, đường, gạo... đến tận tay người dân gặp khó khăn để vượt qua đại dịch.

Không chỉ trong sinh hoạt đời thường, mà cũng ngay trên mạng, một phụ nữ  từ quê Quảng Nam vào T.P Hồ Chí Minh tìm việc làm và hiện chị làm công nhân may mặc cho một công ty; dịch ập đến nên chị bị thất nghiệp, thậm chí chị đã bị “mắc kẹt” không thể về quê vì không có tiền đi xe. Chị kể lại rằng: Một bạn đồng nghiệp gợi ý chị có thể sử dụng “đường dây nóng”gọi cho phường. “Và tôi đã gọi... May mắn, tôi được các anh bộ đội nhanh chóng mang nhu yếu phẩm đến cho,… Thực phẩm tuy không nhiều những cũng đủ để tôi có thời gian xoay sở qua mấy ngày. Tôi cảm ơn rất nhiều các chú bộ đội” - chị nói.

Về mặt y học, lực lượng Quân đội cũng đã tham gia chống dịch có hiệu quả cao. Các chiến sĩ Quân y đã sớm có mặt cùng các y, bác sĩ dân y vào tâm dịch. Ở đó các chiến sĩ được phân công nhiệm vụ vận động, tuyên truyền cho người dân về các chỉ thị, quy định phòng, chống dịch của T.Ư, của Bộ Y tế và của chính quyền thành phố. Bên cạnh đó Quân đội còn hỗ trợ chăm sóc, thăm khám cho các F0 nhẹ và các bệnh nhân thông thường đang điều trị tại nhà.

Đúng như nhân dân nhận xét: “Không có lực lượng nào có tổ chức chặt chẽ, khởi hành nhanh chóng vào tâm dịch như Quân đội. Khó có một lực lượng nào có thể chấp nhận rủi ro, hy sinh khi tiếp cận với bệnh nhân kể cả người chết do dịch gây ra như bộ đội ta.  Các chiến sĩ Quân đội phụ trách cả việc hỏa táng, hương khói, bảo quảntro cốt cho gia đình...  

Bên cạnh giúp dân về mặt y học, Quân đội còn “nhường chỗ” cho dân ở, lấy doanh trại làm “khu cách ly, bệnh viện dã chiến”; chăm sóc sức khỏe, xét nghiệm và tiêm phòng vắc-xin cho nhân dân, điều trị bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng. Ở nhiều nơi đại dịch khiến cho người dân không có đủ nhân lực lúc thu hoạch hoa màu khi đã đến vụ, Quân đội đã giúp dân thu hoạch hộ…”.

Giữa thời bình ít người nghĩ rằng Quân đội lại có một nhiệm vụ không phải là bảo vệ biên cương của Tổ quốc nhưng không kém phần quan trọng như tham gia chống dịch lần này. Đó là nhiệm vụ bảo vệ sự sống của người dân. Vẫn như thời chiến, Quân đội vẫn là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến không khói súng. Được biết đến nay dịch ở T.P Hồ Chí Minh đã được kiểm soát… thành quả đó có một phần quan trọng của các chiến sĩ Quân đội phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ tham gia chống dịch.

TS. Cao Đức Thái[1]


[1]-Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.