Thư của ông Nguyễn Văn Sáu, ở Việt Yên, Bắc Giang kể: “Cô con gái ấy tên là Cao Thị Vân, năm 1952 cô được cử về đây bám dân diệt ác, phá tề. Địch bắt được Vân, chúng trói cô vào cọc, rồi dồn bà con tới xem chúng tra tấn và cho hai con chó bécgiê nhảy vào cắn xé, làm nhục, cô vẫn nén chịu mọi đau đớn, không khai báo nửa lời... Khi giặc rút đi, dân làng tới mang cô về chôn cất. Chỉ xót một nỗi: Hơn 50 năm rồi chưa ai biết quê cô ở đâu?...”.

Anh thương binh Dương Văn Minh, cũng ở huyện Việt Yên, Bắc Giang thì cứ “ân hận suốt 25 năm qua” vì: “Tôi vẫn nhớ từ tháng 5-1971, đến tháng 4-1972, đại đội 62, tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, đoàn Sao Vàng chúng tôi chốt giữ điểm cao 384 (Tây Sơn, Bình Định), các đồng đội của tôi đã lần lượt ngã xuống, đó là thiếu uý Đồng Văn Soạn, quê ở Phú Lương, Bắc Giang; hạ sĩ Nông Văn Thu, quê ở Bản Noọng, Phú Bình, Thái Nguyên; Nguyễn Văn Du, quê Việt Hùng, Quế Võ; y tá Hà Văn Bình, quê thị xã Hòa Bình; Đào Huy Hiển quê Yên Dũng, Bắc Giang; Thân Văn Chính, xóm Sến, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, Bắc Giang; Kiều Minh Toán quê Ba Vì, Hà Nội... tất cả đều được an táng ở khu vực 384 đó... Tôi định sau khi về hậu phương điều dưỡng ổn định, sẽ đi gặp và chỉ nơi chôn cất cho từng gia đình đồng đội của tôi, không ngờ thương tật ngày một nặng, tôi không đi được... đành nhờ đăng tin này lên báo vậy”...

Huỳnh Tất Phát, bạn chiến đấu của liệt sĩ Bùi Quang Trung, đã viết thư về quê của Trung, về Phòng LĐ-TBXH huyện Vũ Thư, Thái Bình, mà vẫn chưa yên tâm, lại cẩn thận viết thư lên tòa soạn Báo với lời lẽ như một thỉnh cầu: “Năm 1972, trận rải thảm B52 vào cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Ngãi làm 8 người hy sinh, trong đó có Bùi Quang Trung ở đội an ninh vũ trang tỉnh... Chúng tôi đã chôn cất và chăm sóc phần mộ anh chu đáo. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tỉnh uỷ lại cho quy tập về nghĩa trang Nghĩa Dũng của thị xã. Mong tòa báo đưa tin, để gia đình biết, đón hài cốt của Trung về...”.

Đại tá CCB Trần Kim Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Vĩnh Trung, Đà Nẵng, người đã báo tin và đưa thân nhân liệt sĩ Mai Văn Minh vào tận Trường Sơn bốc mộ liệt sĩ chuyển về Quảng Bình, lần này lại gửi về tòa soạn bản danh sách dài: Hồ Viết Nhân quê Nam Đàn, Nghệ An; Lê Tuấn Anh, Yên Thành, Nghệ An; Nguyễn Đình Phương, Yên Sơn, Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Vệ, Ba Vì, Hà Nội; Trần Văn Trà, Kinh Nông, Hải Dương; Phạm Văn Dinh, Tiên Lãng, Hải Phòng; Trần Mạnh Hương, Ninh Giang, Hưng Yên; Nguyễn Văn Lập, Phú Đức, Thái Bình; Nguyễn Văn Hiến, Hương Sơn, Bắc Giang; Nguyễn Văn Thông, Phú Bình, Thái Nguyên; Nguyễn Đức Phú, Hòa An, Cao Bằng... với lời nhắc tha thiết: “Mộ các anh đặt ở nghĩa trang xã An Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Gia đình có thể tới thẳng nơi các anh nằm, hoặc qua phường Vĩnh Trung, Hội Chữ thập đỏ chúng tôi xin sẵn sàng chỉ dẫn”...

Nhưng... cũng không giấu rằng, bên những bức thư ân tình trên, không phải không có những tủi buồn, trách cứ: Anh Phạm Ngọc Chính ở Hải Phòng, thân nhân của liệt sĩ Phạm Ngọc Anh kể: nhờ chính quyền, đoàn thể và các cơ quan quân sự tỉnh Minh Hải hết lòng giúp đỡ, gia đình mới tìm và đưa được hài cốt liệt sĩ về đến quê nhà, song lãnh đạo xã không tổ chức gì cả, chỉ tới thắp hương và đặt lên ban thờ liệt sĩ chiếc phong bì 50.000 đồng? Chủ nhiệm chính trị BCHQS tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Anh viết thư báo tin đã thấy mộ liệt sĩ cho Phòng LĐ-TBXH huyện V. quê hương liệt sĩ. Chờ mãi, chỉ nhận được hồi âm: Đúng tên người, tên quê, song sai ngày sinh? Ông Nguyễn Xuân Triềm, nhà ở phường Đông Vĩnh, TP Vinh phàn nàn: “Theo giấy báo tử của BCHQS tỉnh N. trong đó có ghi em trai tôi “Hy sinh tại chùa Bà Trạch”, tôi tới hỏi xem chùa Bà Trạch ở đâu, để đi tìm, BCH lại trả lời: “Không biết?”. Còn ông Ngô Xuân Bảo ở Đà Lạt, thân nhân của liệt sĩ Ngô Xuân Bội, thì thuật lại 6 chuyến đi tìm mộ anh trai mình với vẻ chán ngán: “Ngược xuôi mãi, tôi mới gặp được ông Phó phòng LĐ-TBXH huyện V. ông chưa xem các giấy tờ và sơ đồ mộ chí tôi mang theo, đã buông thõng một câu “Ra nghĩa trang mà tìm...”.

Đúng là dù rất ít, song cũng có những người, những lúc, những câu nói, hành vi vô tâm vô cảm như thế. Xin dừng! Trước những hy sinh, mất mát lớn lao kia, chưa nói đến cố ý, chỉ một thoáng vô tình, đã có thể làm nỗi đau nhân đôi!...

Ngày tiếp ngày, ta đã, đang và sẽ còn được nghe những nhắn tin khắc khoải: “Ai biết... ở đâu... xin báo về”. Tôi nghĩ, ở đâu, cũng bắt đầu từ mỗi trái tim!

Nguyễn Phúc Ấm