Những vụ việc tương tự liên tiếp xảy ra cho thấy, tội phạm ma túy qua đường hàng không đang ngày càng nhức nhối, đáng lo ngại.
Phó chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Lê Tuấn Bình cho biết: Tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang diễn biến rất phức tạp. Ðối tượng vận chuyển ma túy đa dạng, gồm nhiều thành phần, độ tuổi, không chỉ người Việt Nam mà có cả người nước ngoài ra, vào lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam. Phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và thường xuyên thay đổi. Ma túy thường ngụy trang trong va li hai đáy, giấu trong thùng loa, giày, dép, ba lô, ví đựng tiền, bìa sổ tay, cặp táp, chỉ may, giấy cuộn, thực phẩm, thiết bị điện tử… Thậm chí còn che giấu bằng giấy bạc, bột ớt, cà phê hoặc cất giấu trong hũ mắm để đối phó chó nghiệp vụ. Pha ma túy thành các chất lỏng, chất sệt rồi thấm vào các lớp lót va li, khăn tắm… cũng là thủ đoạn thường được sử dụng.
Trong khi đó, tại sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đoạn chủ yếu là giấu ma túy trong thùng hoa quả, đóng ma túy thành gói nhỏ hình dạng trái cây, bánh kẹo, để trong đầu video hoặc cán mỏng, dát đều giấu trong hành lý, giấu trong an bum ảnh, vách thùng các tông, giấu trong đồ mỹ phẩm, bánh xà phòng, hộp kem dưỡng da, chai sữa tắm, lọ mắm tôm, gói trà sâm, nấm linh chi, kẹo dừa, bánh đậu xanh...Với những chiêu thức này, có thể dễ dàng đối phó với chó nghiệp vụ. Mới đây, cơ quan chức năng còn phát hiện thủ đoạn mới là giấu ma túy vào các bao bì may mặc và phủ đều lên các mặt, sau đó đặt vào trong túi nhựa để che máy soi.
Tại các cảng hàng không nội địa, tội phạm cũng lợi dụng để vận chuyển ma túy, nhất là các tuyến bay đi và đến Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)... Ngoài ra, tội phạm còn chuyển phát nhanh ma túy qua đường hàng không với số lượng lớn. Nổi lên thời gian gần đây là vận chuyển lá khát (dùng để sản xuất ma túy đá) từ các nước châu Phi về Việt Nam.
Các cơ quan chức năng đã cùng ký Quy chế phối hợp phòng, chống buôn lậu qua đường hàng không, tuy nhiên, theo các cán bộ hải quan tại các cảng hàng không cho biết, việc triển khai quy chế này chưa thật sự hiệu quả. Hiện nay, muốn kiểm tra nhân thân hành khách xuất, nhập cảnh, cơ quan hải quan phải gửi văn bản đến cơ quan chức năng để được thực hiện. Cách làm này mất nhiều thời gian, không bảo đảm hiệu quả vì đối tượng buôn lậu có thời gian tẩu tán hàng hóa và trốn thoát. Chưa kể, có những lĩnh vực, khu vực cần sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để phòng, chống buôn lậu nhưng việc tiếp cận lại rất khó khăn do mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ riêng. Chỉ cần một, hai cán bộ trong lực lượng thông đồng với nhau là việc kiểm soát sẽ trở nên rất khó khăn…
Phó chi cục trưởng Lê Tuấn Bình kiến nghị: cần triển khai cơ chế một cửa đường hàng không. Kết nối và xử lý thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cảng vụ hàng không và các hãng hàng không, giúp giảm hồ sơ giấy, đẩy nhanh việc trao đổi, cung cấp thông tin, rút ngắn thời gian cho hành khách xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Trước mắt, Hải quan cửa khẩu các sân bay quốc tế sẽ tăng cường các biện pháp thu thập thông tin, trinh sát nắm chắc tình hình, tuyến địa bàn, chuyến bay, đối tượng trọng điểm để chủ động trong mọi tình huống. Phối hợp thường xuyên các kho hàng hóa kiểm tra bản lược khai hàng hóa và vận đơn hàng hóa các chuyến bay trọng điểm, phối hợp kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế các lô hàng xuất, nhập khẩu, quá cảnh...Trang bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ kỹ thuật như máy soi ngầm hành lý, máy ngửi ma túy, máy soi phát hiện ma túy trên cơ thể người. Công tác phối hợp với Interpol cũng được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới triệt phá được tận gốc những vụ buôn lậu ma túy lớn với đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Trần Thịnh