Một vị Cục trưởng đã xin lỗi công luận vì những việc làm sai của đơn vị mình.
Một vị Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những vụ việc xảy ra tại các đơn vị thuộc bộ mình.
Dường như “văn hóa nhận lỗi” đang ngày càng phổ biến. Đó chắc chắn là điều đáng mừng, mừng hơn hẳn so với cái sự “tranh công, đổ lỗi” vốn khá “thịnh hành” trước đây. Người nhận lỗi là người đã tự ý thức được sai lầm của mình (hoặc được người khác chỉ ra sai lầm của mình). Việc nhận lỗi là hành động đúng đắn thể hiện tư duy “dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Từ việc nhận ra lỗi, người ta mới có thể sửa lỗi, rồi không phạm phải lỗi tương tự nữa. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, việc nhận lỗi là chưa đủ. Ví như trong vụ việc vị Cục trưởng kia. Hành động “cho phép” hơn 300 ca khúc vốn đã rất thịnh hành (trong đó có những ca khúc cách mạng nổi tiếng) được phổ biến có thể không gây ra những hậu quả “bằng xương, bằng thịt”, nhưng hệ lụy thì vô cùng.
Bởi lẽ, vô hình trung, nhiều ca khúc nổi tiếng của nền âm nhạc cách mạng trở thành những ca khúc “chưa được phép phổ biến”. Vô số người hát những ca khúc ấy trở thành người hát… lậu. Sâu xa hơn, việc cấp phép kia làm xấu đáng kể hình ảnh của một cơ quan quản lý văn hóa có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hóa- văn nghệ nước nhà. Nói rộng hơn, là việc có thể gây hiểu lầm về cả thiết chế quản lý văn hóa.
Hậu quả lớn như thế nhưng ông Cục trưởng kia chỉ rời vị trí khi bị cấp trên điều chuyển chứ không hề nghĩ đến chuyện từ chức. Điều ấy có nghĩa “văn hóa nhận lỗi” mới chỉ mang tính chất hình thức chứ chưa gắn với “văn hóa chịu trách nhiệm”.
Có lỗi thì nhận, đó là điều thật đáng hoan nghênh. Thế nhưng, việc nhận lỗi phải đi song hành với việc nhận trách nhiệm về lỗi lầm của bản thân đã gây ra. Được như thế, “văn hóa nhận lỗi” mới thực sự mang ý nghĩa.
Huy Quân