Nhân dân Kampong Cham đón chào bộ đội Sư đoàn 320 vào giải phóng.

Vừa đó mà đã tròn 45 năm. Ngần ấy thời gian đã trôi qua mà những gì xảy ra vào ngày này năm ấy với tôi như còn mới nguyên và gợi trong tôi nhiều suy nghĩ!

Ngày ấy tôi là cậu sinh viên năm cuối Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội; vừa về quê ăn Tết (Kỷ Mùi) trở ra Hà Nội, đang sửa soạn cho một chuyến thực tế dài ngày, chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Hồi ấy, chuyện học hành, sinh hoạt có vẻ bình thường, nhưng thực tình, từ mùa hè năm 1978, đời sống sinh viên đã ít nhiều biến động bởi đã có mấy bạn cùng lớp, cùng khóa được gọi nhập ngũ và đã sớm có mặt ở biên giới Tây Nam Tổ quốc; rồi vài vụ lộn xộn ở ga Hàng Cỏ bởi chuyện “nạn kiều”… Nhưng sự kiện ngày 17-2-1979 thì gần như chúng tôi quá bất ngờ.

Lạng Sơn - Hà Nội, nếu tính đường chim bay chỉ ngót trăm rưởi cây số, nên mờ sáng ngày 17-2, “Tiếng súng vang lên trên bầu trời biên giới” thì sáng hôm đó, khắp phố phường Hà Nội đã sục sôi, tràn ngập không khí thời chiến. Trên một số tuyến phố đã có nhiều tụ điểm người dân tập trung, hô khẩu hiệu phản đối chiến tranh xâm lược. Rồi không khí hừng hực đó nhanh chóng tràn vào ký túc xá của chúng tôi, thổi bùng lên bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Không có lệnh của trên, nhưng học sinh các khoa đều không lên lớp, thay vào đó là diễn đàn do các lớp tổ chức, để mọi thành viên lên tiếng phản đối chiến tranh, sẵn sàng lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Khởi đầu cho phong trào tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là sinh viên Khoa Lịch sử, mà anh Nguyễn Triều - một CCB đang học năm thứ ba, đã viết đơn bằng máu tình nguyện trở lại đội ngũ, tình nguyện lên biên giới chiến đấu. Hành động của CCB Nguyễn Triều đã được toàn Khoa rồi toàn Trường học tập. Cũng từ đó, nhiều sinh viên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong đó có nhiều CCB chống Mỹ học cùng Khoa, cùng khóa với chúng tôi.

Bên cạnh những sinh viên có đơn tình nguyện nhập ngũ vẫn có một vài anh với “bầu máu nóng” của mình, không cần xin phép tổ chức đã tự tiện trốn lớp, trốn Khoa, tự tìm đường lên biên giới. Trong số ít trướng hợp đặc biệt đó, tôi biết có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - một CCB đang học năm thứ ba Khoa Ngữ văn, đã nhanh chóng có mặt ở mặt trận Cao Bằng trong những ngày chiến sự nóng bóng nhất. Vài tuần sau đó, anh Cầm trở về và chúng tôi được nghe anh đọc những vần thơ còn nóng bỏng không khí trận mạc: …Anh không thể mang về cho em… Khẩu súng trường nóng bỏng đất Hòa An…

Vài tháng sau ngày 17-2-1979, chiến sự trên tuyến biên giới dần lắng xuống, khi đối phương không những không thể “dạy cho Việt Nam một bài học” mà trái lại còn học thêm bài học về sự thất bại tất yếu của chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, thì phong trào sinh viên tình nguyện nhập ngũ cũng lắng xuống. Nhưng sinh viên lại được huy động đi xây dựng phòng tuyến (khi đó gọi là phòng tuyến sông Cầu). Là sinh viên năm cuối, nên chúng tôi không được đi xây dựng phòng tuyến mà ở nhà tập trung cho việc thi tốt nghiệp, nhưng không khí tiễn đưa các em sinh viên lớp dưới đi xây dựng phòng tuyến bảo vệ biên giới Tổ quốc ngày ấy cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng không dễ phai mờ. Để rồi khi trở thành người lính, một lần huấn luyện bắn đạn thật, đặt chân lên những tuyến chiến hào dọc theo hai bờ con sông Cầu (Bắc Ninh), tôi đã xúc động, nảy mấy vần thơ:

…Nhớ giảng đường sớm nào chia tay

Anh tiễn em đi, mắt cười qua ô cửa

Quân thù đến, trang luận văn giang giở

Ta hẹn nhau viết tiếp ngày về.

Trong đội ngũ Sư đoàn hướng phòng tuyến anh lên

Vắng bóng em, bay xa câu Quan họ

Dẫu cách xa nhưng tình yêu đôi lứa

Lại giăng thành lũy thép giữ quê hương.

(Nghĩ khi về đội ngũ)

Nhớ về những ngày tháng 2 năm ấy, nhất là không khí hừng hực ra trận trong mọi tầng lớp nhân dân, tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta.Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Duy Nguyễn