Từ 1948-1958, rồi lại từ 1981-1991, ông làm Bí thư chi bộ đại đội Quân tình nguyện, Trưởng ban xây dựng huyện Chăn-thău-đôm, chuyên gia Tỉnh uỷ bí mật Chăm-pa-xắc, chuyên gia rồi tổ trưởng tổ chuyên gia của Văn phòng TU Đảng nhân dân cách mạng Lào, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, trợ lý Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Vụ phó Vụ nghiên cứu tổng hợp Ban Cán sự giúp Lào TU Đảng. Nay đã 81 tuổi, là uỷ viên thường trực Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Ông là Nguyễn Văn Nghiệp, ở ngõ 79-81 Lý Nam Đế, Hà Nội. Với tác phong nhanh nhẹn, suy nghĩ còn minh mẫn, ông kể về một kỷ niệm của mình:

Giữa năm 1955, tôi được giao nhiệm vụ về làm chuyên gia giúp Tỉnh uỷ bí mật Chăm-pa-xắc. Từ cơ quan Khu uỷ Hạ Lào đóng ở tỉnh Xa-ra-van, tôi được bố trí đi theo đường giao liên bí mật qua từng bản để về Chăm-pa-xắc. Hôm đi đến Tà-mê-xẳng-thong, tôi gặp Phò Vạ là Uỷ viên Mặt trận tỉnh. Sợ trời tối mà tôi không đến được Huyện uỷ Pạc-xoòng nên Phò Vạ cho bảo vệ dẫn tôi đi tắt, không qua đường dây từng bản rồi bàn giao tôi cho một ông già giữ nương ở bản Phạ-nuỗn-nhày. Thế là sự quan tâm của anh đã thành họa cho tôi. Ông già nặng tai không nghe được giới thiệu đầy đủ, tôi đã không có giấy tờ gì lại không đi theo đường dây bí mật, như từ trên trời rơi xuống, chẳng có gì để làm tin. Buổi tối, dân làng đốt lửa giữ tôi lại và tuyên bố: Quân đội Việt Minh và Pa-thét Lào đã rút về Sầm Nưa. Đây là vùng kiểm soát của chính quyền Vương quốc, chúng tao sẽ nộp mày cho quan lớn lấy thưởng. Mặc cho tôi giải thích, họ chia làm hai phe tranh cãi nhau quyết liệt bằng tiếng La Vên nên tôi không hiểu. Trong lúc bi đát ấy, tôi chợt nhớ ra chị Xảo Bua, là một cán bộ cơ sở ở vùng này mà tôi quen biết từ năm 1950. Tôi xin bà con cho gặp chị Xảo Bua. “Xảo Bua là It-xa-la, nó cũng kéo nhau lên Sầm Nưa. Chúng tao không có quan hệ gì với nó”. Một ông già trợn trừng trả lời tôi như vậy. Vừa mệt và đói, tôi phó mặc số phận cho bà con định đoạt. Rồi dân làng mang thêm củi đến, đốt lên đống lửa thật to, từng lưỡi lửa dâng cao phừng phừng khiến mặt tôi bỏng rát. Bỗng một người phụ nữ từ phía sau đám đông chạy ra ôm chầm lấy tôi kêu to: “Ôi, Khăm-xỉ, đúng là Khăm-xỉ, người bên ta rồi dân làng ơi” (Khăm-xỉ là tên do bà mẹ nuôi người Lào đặt cho tôi). Tôi cũng ôm lấy đôi vai gầy đang rung lên của chị mà mừng vui sung sướng. Lát sau, ông già ban nãy nói với tôi: Thật phúc cho con mà cũng may cho dân làng. Già thay mặt dân nhận lỗi với con. Chả là ở đây bọn địch thường đóng giả bộ đội để lừa dân. Tối nay vì cho rằng con là địch nên làng có hai ý kiến nộp cho quan lớn hoặc đưa ra rừng giết đi. Không có Xảo Bua nhận ra khi đốt thêm lửa thì hậu quả thật đáng tiếc.Thôi con đi ăn cơm rồi nghỉ ngơi…

Năm 1997, tôi lại có đợt sang Lào công tác và thăm tỉnh Chăm-pa-xắc, Tỉnh uỷ đưa chị Xảo Bua về Pác-xế gặp tôi. Chị đã già yếu nhiều và lại khóc khi ôm lấy tôi. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm khi chị làm cán bộ phụ vận, xây dựng cơ sở kháng chiến, biết bao gian khổ, hiểm nguy, rồi những lần gặp địch càn quét, khủng bố, giết người, hãm hiếp phụ nữa…Tôi đã báo cáo với Tỉnh uỷ về tám năm công tác của chị trong chống Pháp. chống Mỹ mà tôi biết và đề nghị giải quyết chế độ cho chị theo chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước Lào.

Tô Kiều Thẩm (ghi)