Dự án trồng mới cây bần chua ở xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An bị chết gần hết… Ban QL RPH Nghi Lộc đã phải trồng đi trồng lại 3-4 lần nhưng cây vẫn… quặt queo!

Năm 2017, Dự án “Hiện đại hóa Ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, mục tiêu dự án là hướng tới cải thiện quản lý rừng ven biển tại các tỉnh nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng; tạo cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, các đoàn thể… tham gia quản lý bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên hiện có. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương triển khai Dự án không đạt được kế hoạch như mong muốn; nhiều vị trí cây trồng bị chết, thậm chí có nơi… “bỏ hoạt động lâm sinh, chạy theo các gói XDCB” ở giai đoạn cuối dự án!

Bài 1: Thực trạng trồng rừng tại một số địa phương

Theo quyết định phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Dự án FMCR sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Tổng số tiền phê duyệt Dự án (DA) lên tới 195 triệu USD, trong đó vốn vay IDA từ WB 150 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 45 triệu USD; thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2023 trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Cây bần chua tập kết ở Đa Lộc chuẩn bị được đưa xuống để trồng lại những vị trí cây bị chết.

Dù vậy, đến thời điểm hiện tại nhiều địa phương thực hiện một số các hạng mục không đạt như kế hoạch đề ra. Cá biệt, có địa phương diện tích rừng mới trồng chết hàng loạt; có nơi phải trồng đi trồng lại 3 đến 4 lần.

Điển hình phải nói đến xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc Vũ Văn Trung cho biết, trên địa bàn xã đã triển khai trồng mới 50ha cây bần chua và hiện tại, đơn vị ký hợp đồng trồng rừng vẫn đang cho cấy dặm lại khoảng 1ha cây bị chết.

Theo ông Trung, nguyên nhân cây chết được xác định là vào mùa nước, con hàu, con hà thường bám vào thân cây; ra ngoài Tết rét đậm, sương muối nhiều khiến cây khó sống.

Ngoài diện tích trồng mới rừng ngập mặn (RNM) 50ha, Đa Lộc còn triển khai trồng khoảng 3ha cây phi lao trong phạm vi rừng phòng hộ (RPH) ven biển Đa Lộc.

Tại khu RPH phi lao ven biển Đa Lộc mới trồng có cây bị bật gốc; người dân vô tư chăn thả bò trong khu dự án và có một vài vị trí cây rừng phi lao nhiều năm tuổi đã bị phá hoại… đốn hạ!

Ông Trần Thanh Duy - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã, hội viên CCB xã Đa Lộc chia sẻ: Năm 2021, UBND xã thành lập Tổ cộng đồng trồng rừng do ông làm tổ trưởng, đã tiến hành trồng thí điểm 10,7ha cây bần chua. Sang năm 2022, Ban QLDA của tỉnh tổ chức đấu thầu, giao cho 1 Công ty ở Hà Nội về trồng nốt số diện tích còn lại.

“Họ không có người trồng nên thuê lại tổ chúng tôi để trồng. Mỗi người được họ trả 700.000/ngày công (tùy người, tùy vị trí). Dù vậy, rất ít người tham gia vì trồng rừng rất vất vả… Từ đầu năm nay (năm 2023) chủ yếu chúng tôi tập trung trồng dặm lại những vị trí cây bần chua bị chết” - CCB Duy chia sẻ thêm.

Nói về diện tích trồng cây phi lao, theo CCB Duy thì trên địa bàn xã Đa Lộc đã trồng 3,175ha, tỷ lệ cây sống đạt 90%.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại nhiều điểm trồng của hạng mục này cho thấy hiện tượng cây phi lao bị chết, bị bật gốc xuất hiện rải rác nhiều vị trí. Đặc biệt, tại một số vị trí người dân còn ngang nhiên chăn thả trâu bò ngay trong phạm vi dự án khi cây còn non yếu, cây chưa được nghiệm thu, bàn giao… Bên cạnh đó, khu RPH phi lao ở Đa Lộc còn có vài địa điểm bị kẻ gian đốn hạ các cây lớn; rác thải trôi dạt vương vãi đầy dưới tán rừng!

Còn tại xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, số diện tích trồng mới của Dự án FMCR là hơn 11ha; diện tích trồng phục hồi khoảng 6,29ha. Nhưng đến đầu tháng 5, Tổ trồng rừng của xã này vẫn đang tiến hành trồng dặm lại 1ha cây bần chua bị chết.

Đáng chú ý, nhiều năm về trước tại xã Đa Lộc và Hoằng Châu đã được các Tổ chức quốc tế và Chính phủ quan tâm, đầu tư rót vốn cho việc trồng RNM. Tại xã Đa Lộc có khoảng 450ha diện tích RNM và trên cạn; ở Hoằng Châu xấp xỉ 100ha. Những cánh rừng sú vẹt bạt ngàn màu xanh đã phát huy tác dụng chống lại biến đổi khí hậu; làm giảm thiệt hại các công trình, nhà dân trong thời gian qua… Tuy nhiên, không hiểu sao hai địa phương này vẫn tiếp tục được qui hoạch đưa vào vùng triển khai Dự án FMCR? Bên cạnh đó, tại phường Mai Lâm (thị xã Nghi Sơn), dù không giáp biển nhưng 108ha keo và thông cũng được rót vốn đầu tư trồng mới trong khu RPH do Ban QL RPH thị xã Nghi Sơn quản lý. Điều đáng nói là số diện tích trồng mới 108ha được trồng ở… lưng chừng núi!

Tại Nghệ An, dường như một số địa phương cùng chung tình cảnh. Hiện tượng cây bần chua bị chết cũng khá nhiều, có nơi phải trồng đi trồng lại tới 3-4 lần.

Ví như tại xã Nghi Xuân diện tích trồng mới 3,08ha; tỷ lệ cây chết tới 90%; Phúc Thọ trồng 7,92ha, tỷ lệ cây chết  60% và Nghi Thái trồng 4,89ha, tỷ lệ cây chết 50%, nguy cơ đến cuối năm nay không có rừng bàn giao cho dự án.

Xót xa trước diện tích cây bần chua được trồng tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc bị chết hàng loạt…

Nhưng có điều ở Nghi Lộc, nguyên nhân cây bần chua bị chết được xác định khác so với ở xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Theo đó, Kiểm lâm Nghệ An xác định cây bần chua bị chết là do con “Giáp xác chân đều” đục xuyên thân cây, cách cổ rễ 10cm, khiến cây mục rỗng và chết. Kiểm lâm Nghệ an cũng không thể xác định được tên, loài của con giáp xác này để đưa ra biện pháp phòng trừ, do đó họ đã phải… “cầu cứu” đến cấp trên!

Một cán bộ Ban QL RPH huyện Nghi Lộc cho biết, số diện tích cây bị chết đã khiến họ phải trồng đi trồng lại 3 đến 4 lần. Theo vị này, vừa qua BQL tiến hành mua bổ sung 4.000 cây “bần không cánh” ở Nam Định - một loại giống mới, với đơn giá 40.000 đồng/cây mang về trồng thử. “Nếu cây sống, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để bàn giao rừng cho Chủ DA, còn không phù hợp, cây không sống nổi chắc sẽ phải đề xuất loại số diện tích cây chết ra khỏi DA…” - vị này nói!

Theo Quyết định 2198/QĐ-BNN-KH  ngày 13-6-2019 của Bộ NNPTNT phê duyệt nguồn vốn triển khai cho 8 tỉnh, thành thụ hưởng từ Dự án FMCR. Tại Nghệ An được phân bổ: 13,403 triệu USD, tương đương 306,061 tỷ đồng.  Dự án được triển khai tại huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò, T.P Vinh.
+ Tại Thanh Hóa, nguồn vốn được phân bổ 17,062 triệu USD, tương đương 389,629 tỷ VNĐ. Địa điểm thực hiện Dự án trên địa bàn huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, T.P Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn.
Đến tháng 9-2022, Bộ NNPTNT tiếp tục có Tờ trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Theo đó, Bộ này xin điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2026 và điều chỉnh mục tiêu, quy mô, kết quả chính của Dự án. Tổng nguồn vốn xin điều chỉnh từ 195 triệu USD xuống còn 119,7 triệu USD… cho 8 tỉnh. Đáng chú ý, đến cuối năm 2023 dự án phải hoàn thành như lộ trình, kế hoạch đề ra; nhưng thực tế nhiều hạng mục, khối lượng giải ngân ở thời điểm Bộ NNPTNT có tờ trình chỉ đạt 0,5% đến 21%. Tính bình quân toàn dự án ở thời điểm tháng 6-2022 chỉ đạt 8% kế hoạch giải ngân nguồn vốn…

Bài và ảnh: Doanh Chính

(Kỳ sau: “Nhiều địa phương không có hoạt động lâm sinh, chạy theo gói xây dựng cơ bản”).