Theo số liệu của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, năm 2016, dân số của cả nước ước tính là 92,7 triệu người, tăng 987,8 nghìn người so với năm 2015. Trong giai đoạn 2016-2020, quy mô dân số Việt Nam khoảng 98 triệu người, tốc độ tăng dân số là 1%/năm. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng (có ít nhất hai người trong độ tuổi lao động nuôi một người trong độ tuổi phụ thuộc), là cơ hội lịch sử để phát triển kinh tế-xã hội. Vui là vậy, nhưng nỗi lo vấn đề “già hóa dân số” lại đã đến liền kề với chỉ số già hóa đã lên tới 44,6%. Dự báo của các chuyên gia cho thấy, năm 2017, nước ta sẽ bước vào giai đoạn “già hóa dân số” và quá trình này sẽ kéo dài 17-18 năm, nhanh hơn nhiều so với các nước trên thế giới như Pháp (mất 100 năm), Mỹ (75 năm), Thụy Điển (85 năm), Nhật Bản (26 năm)…
Vấn đề “già hóa dân số” đến từ nhiều hướng. Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình/bà mẹ) tiếp tục tăng từ 1,9 năm 2011 lên 2,1 năm 2015. Tuy nhiên, có tới 32 tỉnh, thành phố chưa đạt mức sinh thay thế (2-2,1 con/bà mẹ). Trong số các vùng kinh tế, còn 3 vùng chưa đạt mức sinh thay thế là Tây Nguyên; trung du miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đến năm 2015, cả nước vẫn còn 30/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 10 tỉnh có mức sinh rất cao (hơn 2,5 con/bà mẹ). Mặt khác, mức sinh hiện nay có sự khác biệt rất lớn giữa vùng miền. Nếu các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, phía tây của các tỉnh miền Trung tỷ suất sinh còn cao (trung bình 3 con/bà mẹ và số người sinh con thứ ba khá lớn) thì vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL có mức sinh thấp. Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL có mức sinh khoảng 1,5-1,8 con/bà mẹ, riêng TP. Hồ Chí Minh có mức sinh trung bình là 1,33 con/bà mẹ vào năm 2013). Các chuyên gia dân số lo ngại, điều này sẽ khiến quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt, mức sinh quá thấp trong một xã hội thích con trai sẽ càng làm khó cho vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên trầm trọng hơn và hệ lụy sẽ rất nặng nề cho sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với vấn đề này là chuyện hiện nước ta có khoảng 61 triệu người đang trong độ tuổi lao động, nhưng số việc làm và năng suất lao động của người Việt Nam được đánh giá là quá thấp thực tế, người lao động có thu nhập nhiều khi không đủ để nuôi bản thân nên khi nuôi người phụ thuộc thì chất lượng cuộc sống lại càng thấp thêm. Thực tế, mỗi năm số người cao tuổi lại càng tăng. Hiện nay, cả nước có khoảng 9 triệu người già (tương đương 10% dân số), tuổi thọ trung bình đạt 73,2 tuổi. Quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh kéo theo nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội khi thực tế xã hội cho thấy, số người cao tuổi chỉ khoảng 10% nhưng lại chiếm đến 70% tổng số chi phí y tế quốc gia hằng năm. Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng “già trước khi giàu” của nước ta. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe tốt chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại 95% mắc ít nhất 1 bệnh như tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, giảm thính lực… Tính trung bình, mỗi người già Việt Nam hiện có 2,6 bệnh. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn tới, khi giai đoạn “già hóa dân số” đang đến cận kề.
Các chuyên gia cho rằng: Nếu Việt Nam không tận dụng được cơ hội đang có về cơ cấu dân số vàng, không cải thiện được năng suất lao động thì tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ hưu trí khi số người cao tuổi ngày một tăng, hệ thống chăm sóc và an sinh xã hội cho người cao tuổi còn thiếu và yếu, hiện cả nước mới chỉ có một bệnh viện lão khoa. Tâm lý thích sinh con trai làm “bảo hiểm tuổi già” sẽ khiến việc giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh khó khăn hơn. Vấn đề cần làm trong giai đoạn tới là duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng chương trình hành động và đề án cụ thể về chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của người cao tuổi (trong đó có lực lượng CCB), để người cao tuổi không là gánh nặng cho xã hội mà là kho kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau và vẫn đóng góp cho xã hội…
Ứng xử với vấn đề “già hóa dân số” hài hóa mối quan hệ giữa “già hóa dân số” và phát triển KTXH đất nước cũng như của mỗi gia đình đang là công việc cấp bách của các cấp, các ngành và của mỗi người chúng ta hiện nay.
Bài và ảnh: Thanh Minh