Có lẽ nhiều người bị bất ngờ và xúc động khi thấy hình ảnh Ban lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự cố hải sản chết ở miền Trung trong cuộc họp báo chuyên đề của Văn phòng Chính phủ, tổ chức chiều ngày 30-6.
Nhưng với cánh nhà báo chúng tôi thì lại không xúc động lắm. Vì đã quen với lời xin lỗi và cả kiểu cúi đầu rất chuyên nghiệp này của Ban lãnh đạo Formosa.
Lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến là sự cố sập giàn giáo ở Vũng Áng khiến 13 người chết. Lần ấy tôi rất xúc động. Lần thứ hai là xin lỗi vì câu phát ngôn của nguyên Phó phòng đối ngoại Tập đoàn: "chọn tôm cá hay gang thép?" - tôi bớt xúc động hơn và lần này là lần thứ ba.
Đó là chưa nói những lần cúi đầu xin lỗi dân ở các nước khác mà Formosa đầu tư, cũng do mắc lỗi. Từ lời nói, trang phục, đến điệu bộ cũng chuyên nghiệp như xin lỗi nước mình!
Về hình thức thì lễ nghi trong xin lỗi có thể phải chuyên nghiệp như thế, nhưng hành động để sửa lỗi mới có ý nghĩa quyết định đến giá trị của lời xin lỗi. Chả thế mà từ xưa, các bậc minh triết đã từng nói: Công khai thừa nhận sai đã khó, nhưng khó hơn là phải có quyết tâm sửa chữa những sai lỗi đó, thì lời xin lỗi mới không phải là lời xin lỗi suông.
Không.
Ông Chủ tịch HĐQT Formosa đã nói: "Mong rằng bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố này, chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi vô cùng biết ơn Chính phủ đã chỉ đạo tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ".
Chúng ta có quyền hy vọng những cam kết sửa sai của Formosa sẽ trở thành hiện thực.
Tất nhiên một tập thể, hay mỗi cá nhân cũng thế cứ luôn phải xin lỗi cũng không phải là hay!
Với đối tác - với Formosa là vậy. Còn các cơ quan quản lý Nhà nước ta từ TƯ đến tỉnh Hà Tĩnh có cần một lời xin lỗi người dân, vì non kém, lỏng lẻo trong quan lý, giám sát; để mà rút kinh nghiệm?
HUY THIÊM