Từ tháng ngày 28/12/2023 tới nay, Chính phủ đã có ra 6 chỉ đạo ổn định thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước liên tục tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng cung, ổn định giá. Nhưng bất chấp, cứ sau đấu thầu giá vàng miếng lại tăng, bỏ xa giá vàng thế giới. Nếu nhìn vào mục tiêu tăng cung, ổn định giá thì một số chuyên gia cho rằng các phiên đấu thầu đã không thành công.
Trước các vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, từ ngày 19/4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 06 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Để tổ chức đấu thầu, NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN và quy định pháp luật liên quan. NHNN thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của NHNN.
Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC do NHNN tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. NHNN thông báo giá sàn bán vàng miếng, các thành viên tham gia đấu thầu căn cứ các nội dung trong thông báo đấu thầu bán vàng miếng của NHNN để tiến hành đặt thầu theo giá.
Trong 6 Phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, có 3 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 14.900 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4/2024, đã có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 08/5/2024 đã có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5/2024 đã có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng.
Mặc dù sau nhiều năm chưa tổ chức đấu thầu, nhưng nhờ việc chuẩn bị kỹ lưỡng, phiên đấu thầu bán vàng miếng vừa qua của NHNN đã diễn ra đúng trình tự, quy định, thông suốt và an toàn.
Để phù hợp với tình hình thị trường, NHNN đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu. Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường. Trong phiên đấu thầu ngày 14/5/2024, NHNN đã tổ chức đấu thầu thành công với khối lượng trúng thầu cao nhất cũng như số lượng thành viên trúng thầu nhiều nhất trong các phiên đấu thầu vừa qua. Cụ thể, đã có 8 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 8.100 lượng, trong đó có 3 Công ty là Công ty SJC, Công ty Doji, Công ty PNJ trúng thầu cùng với 5 ngân hàng thương mại.
Để có thông tin về nhu cầu thực tế mua vàng của người dân, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình thị trường vàng tại địa phương, tại các địa điểm mua, bán vàng và thực hiện báo cáo nếu có tình trạng xếp hàng mua vàng. Theo báo cáo, vào cuối tuần qua, có hiện tượng người dân tập trung đông người một số thời điểm tại Trụ sở chính của Công ty SJC, không có hiện tượng tập trung đông người tại các địa phương khác và tổ chức khác. Ngoài ra, chỉ có một số địa điểm trên phố Trần Nhân Tông, TP.Hà Nội do địa bàn chật hẹp nên có mật độ đông người hơn.
Do Công ty SJC là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn, thuộc quản lý của UBND Tp Hồ Chí Minh, NHNN đã có buổi làm việc trực tiếp với Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh để bàn về giải pháp bình ổn thị trường vàng có sự tham dự của một số ban ngành có liên quan (Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông…) và Công ty SJC. Tại cuộc họp, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công ty SJC thực hiện ngay nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng.
Thực tế tại các phiên đấu thầu vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ NHNN do lo ngại rủi ro biến động giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC. Khi mua được vàng miếng từ NHNN, Công ty đã thực hiện bán ngay ra thị trường.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng, dự kiến phiên tiếp theo được tổ chức vào ngày 16/5/2024 để tăng cung vàng miếng ra thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo: “Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro”.
Từ góc nhìn chuyên gia, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng, “Phải chăng là đấu thầu lại đang là nhân tố để làm cho giá vàng trên thị trường tăng lên. Cần phải xem lại xem cơ chế điều tiết cung cầu vàng thông qua đấu thầu vàng”.
Các phiên đấu thầu “thất bại”/không thành công cả ở mục tiêu tăng cung cho thị trường khi mà số lượng thành viên tham gia đấu thầu ít, lượng vàng mua trong các phiên đấu thầu cũng rất ít, theo GS.Hoàng Văn Cường. Tổng số lượng đã trúng thầu chỉ hơn chục nghìn lượng không đủ bù đắp khoảng thiếu hụt của thị trường hiện nay. “Thất bại”/Không thành công cả ở mục tiêu ổn định giá khi mà cứ sau phiên đấu thầu, giá vàng miếng trong nước lại tăng thêm. Nguyên nhân là giá chào sàn trong các phiên đấu thầu cao.
“Chúng ta phải xác định mục tiêu đấu thầu là tăng cung, ổn định giá, vậy thì mục tiêu đấu thầu không phải là bán giá cao thu về nhiều tiền.Theo đó nguyên tắc chọn người trúng thầu không phải là ai bỏ giá cao nhất”, ông Cường nói.
Theo đó, giá chào thầu đưa ra cũng phải là giá hợp lý mới đủ kéo giá thị trường trong nước gần hơn với giá thế giới. Tiêu chí chọn thầu là người bỏ giá cao nhất.Giá chào sàn đưa ra đấu thầu lại quá cao, có phiên giá đưa ra cao hơn cả giá giao dịch trên thị trường ngày hôm trước đấu thầu. Vì thế để trúng thầu thì giá phải cao lên. Giá trúng thầu đã cao, giá bán ra hôm sau còn cao hơn thế. GS.Hoàng Văn Cường phân tích.
Đấu thầu đã không đạt được mục tiêu. Để ổn định thị trường vàng, không để giá vàng liên tục nhảy múa và chênh lệch với giá thế giới quá cao, người dân lại mang tâm lý “”giá còn tăng” lại đổ xô xếp hàng mua vàng khiến cung đã ít lại càng thêm thiếu kéo theo giá lại tăng thì cơ chế điều tiết cung cầu qua đấu thầu vàng cần được xem lại. Và đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. Cần sớm sửa Nghị định 24, đó mới là giải pháp căn cơ và bền vững.