CCB, thương binh Thân Văn Quặng.

Là thương binh hạng 3/4, trong chiến đấu thì dũng cảm, kiên cường. lập nhiều chiến công. Khi phục viên thì tích cực tham gia công tác địa phương và đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đó là CCB, thương binh Thân Văn Quặng ở thôn An Lạc, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Gần tới ngày 27-7, tôi có cuộc trao đổi với ông.

PV: Chào ông. Xin ông cho biết những dấu mốc đáng nhớ của thời quân ngũ?

CCB Thân Văn Quặng: Khi học xong lớp 7 là hết cấp II khi đó dù có đỗ vào cấp III nhưng vì gia đình chưa có ai đi bộ đội, nên tôi đã tình nguyện chờ đủ tuổi để nhập ngũ. Ngày 14-7-1969, tôi vào bộ đội, thuộc Binh chủng Đặc công, Đội 22, Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 305. Chúng tôi huấn luyện ở Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang. Trong thời kỳ huấn luyện tân binh, chúng tôi luôn nhớ lời Bác dạy: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt”. Cho nên chúng tôi không quản ngày đêm tích cực luyện rèn cho thuần thục mọi kỹ năng chiến đấu, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, rèn luyện mang vác để vượt Trường Sơn. Sau một năm huấn luyện, tháng 7-1970, chúng tôi lên đường vào Nam chiến đấu. Đến đơn vị mới, tôi được phiên chế vào Tiểu đoàn 13, Đoàn 429 (đặc công miền Đông Nam Bộ).

PV: Những trận đánh nào để lại cho ông kỷ niệm sâu sắc?

CCB Thân Văn Quặng: Là lính đặc công nên tôi có tham gia một số trận đánh. Kỷ niệm tôi không bao giờ quên là trận đánh Trảng Lớn, Tây Ninh. Căn cứ Trảng Lớn do ngụy chốt giữ có chiều dài gần 6 km, rộng gần 4 km. Có thể nói căn cứ như một “thành phố quân sự”. Căn cứ án ngữ vành đai biên giới Việt Nam - Campuchia nên đây là căn cứ rất quan trọng. Quân địch bố trí trong căn cứ hỏa lực cực mạnh, có cả xe tăng, xe thiết giáp, xe chở quân, pháo binh, truyền tin... Chủ trương của ta là đánh tiêu diệt sinh lực địch, xong rồi rút ra không chiếm giữ. Sau nhiều tháng điều nghiên kỹ càng, đêm 19-9-1971 Tiểu đoàn 13, Đoàn 429 tập kích căn cứ Trảng Lớn. Đơn vị chia làm ba mũi, mỗi mũi có từ 10 đến 13 người. Trận đánh do Tiểu đoàn trưởng Ngô Tấn Vinh (người Quảng Nam) và Chính trị viên Lê Bá Cấn chỉ huy. Đặc công chúng tôi là “luồn sâu, đánh hiểm”, ra trận thì “linh hoạt, sáng tạo, cảm tử”. Đúng kế hoạch, 1 giờ sáng nổ súng. Chúng tôi tiêu diệt được nhiều địch trong căn cứ. Mũi của tôi có 4 người hy sinh, 1 người bị địch bắt. Tôi được lệnh rút ra, mới chạm hàng rào trong cùng thì bị địch phát hiện. Chúng bắn như vãi đạn. Một quả M79 nổ gần tôi bị mảnh găm khắp người, nhưng may mắn không bị địch bắt. Chiều ngày 26-9-1971, tôi mới về đến căn cứ Thị đội Tây Ninh. Sau khi chưa lành vết thương, tôi xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu nhưng do sức khỏe còn yếu nên được bố trí về Phòng Chính trị Đoàn 429. Sau ngày giải phóng miền Nam vì là thương binh, tháng 10-1975, tôi được ra Bắc. Về điều trị và an dưỡng ở Đoàn 253 thuộc Quân khu Tả Ngạn đến tháng 1-1976 tôi được phục viên với quân hàm Thượng sĩ, thương binh hạng 3/4. Hiện nay còn 11 mảnh đạn trong người, có mảnh nằm trong phổi, có mảnh trên đầu.

PV: Về địa phương ông từng tham gia công tác gì, thành tích đạt được?

CCB Thân Văn Quặng: Về địa phương vì đã từng là lính chiến, là đảng viên còn trẻ nên tôi được Đảng ủy bố trí công việc ngay. Những ngày đầu là phụ trách cửa hàng HTX mua bán. Được 2 năm, năm 1979, tôi chuyển sang làm Ủy viên thư ký UBND. Năm 1981, tôi làm Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an. Thời gian này do kinh tế còn khó khăn nên công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã có nhiều phức tạp. Từ năm 1984 đến 1994, mười năm liền tôi làm Chủ tịch UBND xã, sau đó nghỉ hưu theo chế độ. Khi đảm trách chức vụ Chủ tịch, tôi cùng ban lãnh đạo rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng là điện, đường, trường, trạm. Khi có điện lưới nhân dân cả xã vui lắm. Rồi tu bổ, nâng cấp trụ sở UBND…

Phong trào thi đua yêu nước được nhân dân ủng hộ nên nhiều năm Việt Ngọc đứng đầu huyện Tân Yên và có thứ hạng cao trong tỉnh Hà Bắc lúc đó. Năm 1987, tôi được bầu là Chủ tịch UBND xã xuất sắc nhất tỉnh Hà Bắc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và đi dự Hội nghị Hội đồng Nhân dân toàn quốc tại Hà Nội. Năm 1986, Đảng ta chủ trương công cuộc đổi mới nhưng mấy năm tiếp theo cả nước còn khó khăn lắm. Cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp từ xã đến thôn, được nhân dân ủng hộ ra sức phấn đấu nên Việt Ngọc kinh tế vẫn phát triển, vẫn đóng đủ các loại thuế cho Nhà nước; đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao. Năm 1994, tôi nghỉ hưu theo chế độ, đến nay đã ngót 30 năm.

PV: Cuộc sống hiện nay của ông thế nào?

CCB Thân Văn Quặng: Về hưu, hằng ngày tôi vui với ruộng vườn, con cháu. Con cái học hành, công tác ổn định; kinh tế gia đình không phải suy nghĩ gì. Là đảng viên, CCB, thương binh tôi tham gia tất cả các Hội như CCB, Người cao tuổi, Hội Hưu xã. Nói chung là tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại và tự hào vì có phần đóng góp nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước trong thời chiến cũng như thời bình.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

                                                         Đào Hồng (thực hiện)