CCB Nguyễn Đình Phùng bên cây cầu Phùng Hiệp 27 đang được xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, T.P Tam Kỳ.

Đến nay, đã bước qua tuổi 75, sức khỏe suy giảm nhưng CCB, thương binh Nguyễn Đình Phùng vẫn chưa nghĩ đến việc dừng xây cầu giúp người dân trong vùng. Không ngại trời nắng gắt, ông vẫn thường xuyên có mặt ở những điểm xây cầu để động viên anh em thi công, kiểm tra chất lượng... từng cây cầu.  Ông chia sẻ: “Lúc nào hết tiền, hết sức thì sẽ thôi xây cầu. Tuổi cũng lớn rồi, không biết lúc nào nằm xuống, giờ còn giúp được gì thì mình cố gắng giúp thôi”.

CCB, thương binhNguyễn Đình Phùng xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Tam Thanh, T.P Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 17 tuổi, ông nhập ngũ vào đơn vị Đặc công 75A, Thị đội Tam Kỳ. Sau những trận đánh lớn, tháng 5-1967, ông bị thương, tỷ lệ thương tật 61% (hạng 2/4). Năm 1977, ông trở về tham gia công tác tại địa phương và giữ nhiều chức vụ, như Thư ký, Thẩm phán, Chánh án Tòa án thị xã Tam Kỳ (nay là T.P Tam Kỳ). Sau khi nghỉ hưu, ông được kết nạp vào Hội CCB phường An Xuân, T.P Tam Kỳ. ông Phùng tâm sự "Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh hay bị thương tật tàn phế suốt đời. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ sống sao thật có ý nghĩa cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”.

Từ tấm lòng cao thượng và thấu hiểu nỗi khó khăn, hiểm nguy mà người dân vùng nông thôn khi ngày ngày phải đi qua những cây cầu tạm xập xệ, CCB Nguyễn Đình Phùng đã tự nguyện bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây dựng, tu bổ, nâng cấp 28 cây cầu tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, T.P Tam Kỳ cho người dân đi lại.

Cùng với chiếc xe máy cọc cạch, CCB Nguyễn Đình Phùng đã đi khắp các làng quê từ T.P Tam Kỳ đến các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước… để tìm hiểu, góp sức cùng xây cầu, hỗ trợ người dân đi lại thuận lợi. Ông kể, một lần về thăm quê, thấy tuyến đường qua mương bị nước tràn qua mặt đườngkhiến xe cộ qua lại dễ bị ngã đổ. Hỏi ra mới biết, ở vị trí này từng xảy ra nhiều vụ TNGT và đã có 2 người tử vong, 21 người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng nặng... ông đã quyết định xây cầu dân sinh miễn phí cho những vùng quê nghèo.

Cây cầu đầu tiên ông xây dựng có tên “Phùng Hiệp 01” tại phường Trường Xuân, T.P Tam Kỳ. Sau khi cầu hoàn thành, người dân đi lại thuận lợi, chính quyền và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Đó chính là niềm vui, động lực thôi thúc ông và gia đình tiếp tục công việc xây cầu hỗ trợ bà con. Ông giải thích khi chọn tên cho các cây cầu là“Phùng Hiệp”, bởi "Hiệp” là một người bạn đã khuất của mình và từ “hiệp” còn có nghĩa như là hiệp sức, hiệp lực nữa.

Cây cầu “Phùng Hiệp 28” ở thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh là cây cầu thứ 5 mà ông Phùng xây dựng trong năm 2022. Cầu có chiều dài 12m, rộng 4m với kinh phí 75 triệu đồng là tiền lương của ông và con trai ở T.P Hồ Chí Minh gửi về. Bà Huỳnh Thị Ngọc (72 tuổi), một người dân trong thôn cho hay: Ở vị trí này, đã có tới cả trăm người bị té ngã, có người bị gãy chân, gãy tay... Giờ được bác Phùng làm cho cái cầu tại đây bà con chúng tôi mừng lắm.

Là vợ CCB Nguyễn Đình Phùng, bà Huỳnh Thị Thu rất đồng cảm và ủng hộ việc làm của chồng. Bà cho biết: Hai vợ chồng bà làm từ thiện từ năm 2014. Mỗi tháng nhận được hơn 15 triệu đồng lương hưu, nhưng ông bà vẫn cố gắng tiết kiệm, tích góp để cùng với các con xây cầu cho dân và hỗ trợ những suất quà cho người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Mỗi lần thấy chồng đi khảo sát cầu mà lo. Ông nhà lớn tuổi, sức khỏe lại yếu, đi lại khó khăn do vết thương của chiến tranh. Nhưng thương chồng, thương người dân vùng quê đi lại khó khăn nên tôi vẫn động viên ông ấy cố gắng” - bà Thu cho biết.

Từ năm 2016 đến nay, CCB Nguyễn Đình Phùng đã cùng gia đình đã xây được 28 cây cầu (chi phí khoảng 65-75 triệu đồng/cầu) cùng với 150m đường bê tông, chiều rộng 3m tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, T.P Tam Kỳ với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Tấm lòng và việc xây cầu của ông Phùng thật đáng trân trọng và là tấm gương sáng để mỗi người noi theo.

Bùi Văn Trí