Ngày 16-1-1951 đã ghi dấu sự ra đời của một đại đoàn chủ lực mang số hiệu 320 làm nòng cốt để tiến hành các chiến dịch phản công, tiến công địch từng bước giành thế chủ động trên các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp. Cái tên “Đồng Bằng” xuất phát từ địa bàn hoạt động chủ yếu của Đại đoàn ở thời điểm này là cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi được coi là kho người, kho của nhưng cũng là nơi ta và địch giằng co, giành giật rất quyết liệt. Luôn khắc sâu trong tim lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi thành lập: “Về đồng bằng trong mọi hành động cần nhớ rằng: chính trị ngang quân sự, đánh được giặc nhưng phải được lòng dân; giành được dân, có dân là có tất cả”, bao lớp cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội trong những trang sử hào hùng của dân tộc.

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 được Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320 TP Hà Nội chuẩn bị kỹ càng trong 5 năm qua, cùng với sự góp sức của đồng chí, đồng đội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban tổ chức dự kiến có khoảng 700 khách mời, vậy mà tại hội trường hơn 800 ghế hết chỗ, số đến sau phải đứng dự lễ. Mặc cho cái giá lạnh của thời tiết những ngày cuối đông, mặc cho sức khỏe của tuổi già, những người lính Đồng Bằng coi đây là một dịp hiếm có, vàng cũng không thể mua được, để gặp lại nhau, cùng ôn lại những năm tháng hào hùng, những kỷ niệm, nghĩa tình trong chiến đấu. Tới dự có các đồng chí Vũ Oanh, người Phó chính ủy đầu tiên của Đại đoàn, hiện là Chủ tịch Hội Chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam... cùng các đại biểu đại diện cho Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320 tại các tỉnh, thành: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã gửi lẵng hoa tươi thắm chúc mừng buổi lễ.

Nhìn Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Đại đoàn Đồng Bằng, Trưởng ban liên bạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320, không ai nghĩ ông đã ở tuổi 80. Với trách nhiệm chủ trì buổi lễ, ông hăng hái, nhiệt tình, đi lại quán xuyến công tác tiếp đón, chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ. “Ban 60” được giao trọng trách tổ chức lễ kỷ niệm do ông đứng đầu đã thu thập bài viết và xuất bản cuốn sách “Sáu mươi năm tình nghĩa thủy chung” nói về truyền thống của Sư đoàn; gần một nghìn chiếc lôgô kỷ niệm và rất nhiều kỷ niệm chương để tặng cho đồng đội. Những ngày gần buổi lễ, phòng làm việc của ông không ngớt tiếng chuông điện thoại của đồng đội gọi đến liên hệ.

Ngày gặp mặt, những cái bắt tay thật chặt, thân tình, những tiếng reo mừng hội ngộ, những ánh mắt vui mừng, phấn khởi, tiếng nói, tiếng cười làm ấm lên không khí trong hội trường. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình; lên sân khấu nhờ ban tổ chức gọi tên người này, người kia để tìm gặp nhau. Vẫn tình cảm như những ngày nào còn chiến đấu, những người CCB Đồng Bằng mái đầu điểm bạc xưng hô “mày, tao” thật thân tình... Trong niềm vui gặp mặt, người còn người mất, họ không quên những người đồng đội đã ngã xuống vì quê hương trong giây phút mặc niệm thiêng liêng. Tấm lòng đồng chí, đồng đội của những người lính Đồng Bằng vẫn vẹn nguyên như ngày nào, nhưng tuổi tác thì không chừa một ai, chính vì vậy lễ mừng thọ những đồng chí trên 90 tuổi, tròn 90, tròn 80, tròn 70 tuổi của Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320 TP Hà Nội hoà vào niềm vui chung của ngày gặp mặt. Cả hội trường xúc động khi bà Lương Thị Thư, vợ cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, kể lại những kỷ niệm gia đình gắn bó với Sư đoàn nhưng chưa một lần bà được tới trụ sở nơi chồng làm việc và nhân dịp này bà xin được nhận làm “dâu của Sư đoàn”.

Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng đồng đội ôn lại truyền thống anh hùng, những chiến công oanh liệt của Sư đoàn 320 - Đồng Bằng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế… Sư đoàn đã tham gia 16 chiến dịch, đánh 2.212 trận, diệt 77.950 tên địch, bắt sống 21.912 tên, thu và phá huỷ 57.556 súng pháo các loại, thu và phá huỷ 3.516 xe quân sự, tàu xuồng chiến đấu; bắn rơi 507 máy bay các loại, thu hàng ngàn tấn đạn dược và các phương tiện chiến tranh khác. Sư đoàn đã phối hợp với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương giải phóng 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, 2 tỉnh Tây Nguyên, 2 tỉnh ven biển miền Trung và 3 tỉnh trên nước bạn Cam-pu-chia, cùng các đơn vị bạn giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, Sư đoàn đã được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương là đơn vị Anh hùng LLVTND. Có 3 trung đoàn, 7 tiểu đoàn, 6 đại đội, 11 cán bộ chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó Trung đoàn 48 được tuyên dương Anh hùng lần thứ 2. Sư đoàn còn được thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 8 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Lao động hạng nhất và hàng ngàn Huân chương Quân công, chiến công cho tập thể, cá nhân. Sư đoàn cũng vinh dự được Nhà nước Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương Ăng-co vì những thành tích xuất sắc khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.

Giai điệu của bài hát “Bài ca lính Đồng Bằng” còn ngân mãi trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 320 – Đồng Bằng anh hùng: “Lính Đồng Bằng sinh ra từ miền sông núi… dấu chân người lính xông pha trên khắp mọi miền… lập nên bao chiến công lừng lẫy non sông”.

HỒ HƯƠNG