Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra các bản vẽ của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vào kiểm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã hơn một tuần mà vấn đề vẫn “nóng hầm hập”, dư luận không ngớt bàn luận về nhiều khía cạnh. Như, chuyến vi hành “xuyên Tết” của người đứng đầu Chính phủ; đi không “trống dong cờ mở”, nơi đến kiểm tra không được báo trước...  

Đặc biệt là những ý kiến thẳng thắn của Thủ tướng chỉ ra những hạn chế của những đơn vị, địa phương tham gia dự án.  

Cùng dự buổi kiểm tra còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải - Nguyễn Văn Thể,

Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh…

Cứ như Thủ tướng chỉ ra, thì các đơn vị, địa phương được giao thực hiện dự án giai đoạn 1 (2020-2025) không đạt tiến độ đề ra; triển khai ì ạch, có phần rối rắm… Chính vì thế Thủ tướng phải nói lại nhiều lần ý câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong công tác xây dựng Đảng: “Ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”.

Hóa ra, mặc dù là dự án trọng điểm cấp quốc gia, vốn khoảng 5 tỷ USD,  gồm nhiều dự án thành phần, khởi công đã hơn 6 năm, nhưng đến nay giải phóng mặt bằng cho đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vẫn còn 525ha đất địa phương chưa bàn giao được cho đơn vị thi công, mặc dù ngân sách nhà nước đã bố trí đủ 22.800 tỷ đồng cho tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Vì sao chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng? Có do dịch bệnh, nhưng nguyên nhân chính là tỉnh Đồng Nai đã không ngăn chặn được tình trạng đất bị đầu cơ, nâng giá, mua đi, bán lại, thậm chí vẫn còn người dân “cho tặng” đất bằng giấy viết tay, nên việc bồi thường trong thu hồi đất càng ngày càng gặp khó khăn, vướng mắc, do giá đất tăng từng ngày.

Chính vì thế, hết năm 2021, tỉnh Đồng Nai chỉ giải ngân được khoảng 18.000 tỷ đồng/22.800 tỷ đồng Nhà nước đã cấp. Nghĩa là từ tháng 1-2022, tỉnh không còn tiền giải ngân, do nguồn vốn đã hết thời hạn, giả dụ nếu còn thời hạn, tỉnh cũng không dám giải ngân vì giá đất đền bù đã cao hơn nhiều lần so với giá ban đầu được phê duyệt.

Bây giờ để thẩm định, điều chỉnh ngân sách, nhanh nhất cũng phải gần 6 tháng nữa Quốc hội mới thông qua được, trong khi chỉ còn hơn 4 năm của giai đoạn 1 dự án phải hoàn thành! Mà không giải phóng được mặt bằng, đồng nghĩa với dự án còn bị đắp chiếu.

Đáng tiếc, vấn nạn “thổi giá đất, đòi tiền đền bù” đã được cảnh báo từ rất sớm. Còn nhớ, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 27-10-2017, về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói: “T.P Hồ Chí Minh đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi…”.

Còn Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì chỉ ra, tình trạng đầu cơ, găm đất còn dẫn đến chính sách đền bù giải phóng mặt bằng không công bằng. Ông nói: “Anh đầu cơ tích trữ rồi tìm cách xây nhà cửa, làm công trình để tăng tiền đền bù. Điều này không công bằng với người dân thực sự ở trên mảnh đất đó”.

Không chỉ ách tắc trong giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ ra những bất cập của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không; hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối…

Bằng chứng là Thủ tướng hỏi đến vấn đề gì đại diện lãnh đạo Tổng công ty cũng ấp úng, nói phương phưởng, chung chung, toàn “thì, mà, là” làm Thủ tướng nghe phát sốt ruột! Thủ tướng đến nơi làm việc của Ban Quản lý dự án cũng thấy tạm bợ, ngổn ngang, như nơi chứa rác thải nhiều hơn là một phòng làm việc. Thủ tướng lưu ý, ACV hiện đang nhận nhiều dự án cảng hàng không trong khi nguồn lực, thời gian có hạn, kinh nghiệm không nhiều; lãnh đạo ACV phải lên hiện trường làm việc, sát cánh cùng với địa phương, cùng với dân thì mới sớm có mặt bằng cho dự án Long Thành.

Tuy không “điểm mặt, chỉ tên” nhưng Thủ tướng cũng đã phải cảnh báo và yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương, tăng cường trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, đấu thầu "quân xanh, quân đỏ"…

ACV chậm triển khai dự án, do thực lực có hạn hay còn do “đợi thầu”? Đây vừa là câu hỏi, vừa là cảnh báo để ACV không mắc phải lỗi như không ít tổng thầu ở các công trình xây dựng bằng vốn nhà nước vừa qua.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu không có cuộc kiểm tra đột xuất của người đứng đầu Chính phủ; hoặc kiểm tra thấy nhưng không nói thẳng, nói thật thì những hạn chế, yếu kém trong triển khai Dự án sân bay quốc tế Long Thành có được chỉ ra để khắc phục hay không?

Để tình trạng nhận khoán “phương phưởng” ở các công trình vốn nhà nước còn có lỗi của các cơ quan, cá nhân được giao làm chủ đầu tư. Nếu không được rút kinh nghiệm, thưởng phạt nghiêm minh, thì “lợi ích nhóm” vẫn sẽ còn tồn tại, dẫn đến vừa mất cán bộ, vừa mất tài sản của dân.

Nhật Huy